Chung cư. Ngay cái tên cũng đậm đặc chất ngôn ngữ Hán Việt. Cư là ở, chung là… chung chứ còn gì nữa. Chung cư tức là ở chung trong một tòa nhà, ngôi nhà. Nhiều hộ, nhiều gia đình sống trong tòa nhà ấy. Nhà chung cư là tòa nhà có nhiều người ở. Có ai đó ra vẻ thông thạo cổ ngữ thì bảo rằng không phải chung cư mà chúng cư, nghe có lý bởi “chúng” nghĩa là nhiều người, đám đông. “Quần chúng” là đám đông (chúng) người tụ họp (quần) nhau lại. “Chúng khẩu đồng từ” có nghĩa nhiều người cùng nói một lời, ta dùng cái thành ngữ Hán Việt này để toát lên sự nhất trí, trăm người như một. Nhưng “chung” cũng mang nghĩa sự tụ họp, vậy nên để nói về cái nhà đông người, đông gia đình ở thì dùng từ “chung cư” hoặc “chúng cư” đều được, chỉ có điều lâu nay dân ta nói chung cư nghe quen tai rồi.

Có một dạo, trong đời sống và cả trong ngôn ngữ, người ta gọi những cái nhà như thế là khu tập thể, nghe nửa ta nửa tàu. Những năm cuối thập niên 60 trở về sau, ở Hà Nội có những khu tập thể nổi tiếng như khu tập thể Kim Liên (cho cán bộ trung-cao cấp), khu tập thể Vĩnh Hồ (cho sĩ quan, trí thức), khu tập thể Nguyễn Công Trứ, rồi các khu Thành Công, Văn Chương, Đống Đa, Chương Dương (khu này có nhiều văn nghệ sĩ)… Trường đại học nào cũng có khu tập thể sinh viên, được gọi bằng cái tên khá kêu: ký túc xá. Hải Phòng quê tôi cũng có mấy khu tập thể như Đồng Bớp, Thượng Lý, Thảm Len… chủ yếu cho công nhân. Nổi tiếng nhất là khu Đồng Bớp bởi những khối nhà lắp ghép 4-5 tầng được xây dựng trên mảnh đất ruộng Đồng Bớp của huyện An Hải cũ, gần cầu Rào. Khu này còn được gọi là khu Đổng Quốc Bình, lấy tên một liệt sĩ hải quân hy sinh ngày 5.8.1964 trong trận bắn máy bay Mỹ thời kỳ đầu cuộc chiến tranh phá hoại.

Chung cư chỉ có ở đô thị (thành phố, thị xã) bởi phố xá đất chật người đông, chứ ở nông thôn tới tận bây giờ chẳng ai thích ở chung như vậy. Có những gia đình nhiều thế hệ, tứ đại đồng đường, cụ kỵ, ông bà, con cái, cháu chắt cứ chung sống với nhau, nhà nếu chật thì cơi nới, xây dựng mở rộng thêm, lúc nào người cũng đông như hội nhưng chả ai bảo đó là chung cư cả. Đứa nào lấy vợ gả chồng, muốn sống gần ông bà bố mẹ thì sẵn đất vườn đó cắt ra vài mét ngang dựng thêm cho nhà riêng, nhưng vẫn quây quần quấn túm. Vậy định nghĩa chung cư phải thêm yếu tố nơi có nhiều hộ gia đình, vốn là người lạ (trước lạ sau quen) ở cùng tòa nhà, khu nhà, dãy nhà, thường là nhiều tầng, thấp thì 4-5 tầng, cao thì mấy chục tầng như bây giờ. Đối lập với chung cư là biệt thự. Thự là căn nhà sang trọng, biệt là riêng, tách hẳn ra; biệt thự là khối nhà riêng biệt, thường xây tường rào bao quanh, chỉ một chủ, chả chung chạ liền kề với ai. Ngày xưa có sự phân định mặc nhiên: chung cư dành cho người bình thường, còn biệt thự phải là người giàu có. Nay chung cư cao cấp đã xóa đi cái mặc nhiên ấy. Nhiều ca sĩ, người mẫu sở hữu những căn hộ chung cư mấy chục tỉ, hoặc tính ra hàng trăm nghìn USD. Chung cư không còn phân biệt giàu nghèo nữa. Tuy nhiên, biệt thự thì vẫn phải nhà giàu mới rờ tới được. Tôi chưa từng nghe nói có công nhân, thợ may, thợ xây nào sở hữu biệt thự.

Chung cư hiện nay khác với chung cư hồi xưa một trời một vực. Các căn hộ chung cư ngày xưa đúng nghĩa chỗ chui ra chui vào, giản tiện hết mức, thậm chí rất nhiều chung cư chỉ có phòng ở và cầu thang, hành lang, chứ không được thiết kế nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp. Muốn làm việc gì to tát, hoặc giải quyết “tâm sự” đều phải xuống đất. Đun nấu thì có thể du di ngoài hành lang, chứ tắm giặt, tiêu tiểu phải hạ cánh tiếp đất hết. Tại những khu chung cư, nhà nước thường xây nơi tắm giặt, nơi lấy nước bể, nước máy, khu vệ sinh (bây giờ gọi lịch sự là toilet) gần đó. Khổ nhất những hộ trên tầng 4 tầng 5, đã cầu thang bộ lên xuống mỏi chân, khi gặp chuyện, đau bụng nhột bụng chẳng hạn, chạy xuống được nơi giải tỏa cũng đủ khốn nạn. Có khi xuống tới nơi còn phải xếp hàng, mặt mũi nhăn nhó khổ sở không để đâu cho hết.

Tình trạng nước non ở chung cư cũng đủ ghi hẳn thành bộ sử biên niên nhiều tập. Trong những chung cư kiểu cũ, hầu như không căn hộ, phòng nào có nước. Không có nhà tắm thì dẫn nước vào làm gì. Vài đợt nhà xây về sau được cải tiến hơn, người ta dành hẳn một phòng nhỏ cuối dãy, cuối hành lang làm nhà tắm, bắc ống nước tới tận nơi. Nhưng chỉ tắm thôi, còn tiêu tiểu vẫn phải hạ thổ. Tiếng là có nhà tắm nhưng chả mấy khi có nước, nhất là những tầng trên cao. Càng cao càng khô hạn. Ông anh của bạn tôi là thế hệ đầu tiên ở chung cư do nhà nước xây hồi thập niên 60 từng cằn nhằn tình trạng “mất nước” diễn ra quanh năm dù đất nước đã được tự do độc lập. Ông còn bảo, ai thích bài hát Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu chứ tao (ông xưng như vậy) cứ nghe tới câu “Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa…, xây cho nhà cao cao mãi” mà rùng mình. Mới tầng 4 tầng 5 đã khốn khổ bởi nước niếc thế này, đòi cao mãi cao nữa thì khổ tới đâu.

Ông ấy còn kể thời đêm đêm chầu chực ở vòi nước công cộng góc sân khu tập thể, hai cái xô tôn nhà ông xếp hàng trong dãy thùng xô dài dặc. Vòi nước dù mở hết cỡ cũng chỉ tí tách đủng đỉnh nhả từng giọt như thách thức sự kiên nhẫn của con người. Mỗi đêm hai tay hai xô được 2 chuyến lên lầu 4 đã nghe gà gáy te te báo sáng. Nhiều nhà vợ chồng con cái còn tranh thủ đem quần áo xuống vò xả giặt giũ, tắm ngay tại chỗ, giành nước cãi nhau ỏm tỏi. Thời ấy người ta truyền tụng nhau câu “ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước”.

Chỉ riêng “việc nước” đã ngổn ngang vậy, chứ chuyện chung cư còn dài lắm.