Chuyên gia “toát mồ hôi” khi Bộ GD&ĐT mạnh tay chi 749 tỷ cho đổi mới thi cử

Admin
“749 tỷ đúng là con số quá sốc khiến nhiều người và cả tôi cũng \"toát mồ hôi\" khi nhận thông tin Bộ GD&ĐT \"mạnh tay\" chi cho đổi mới thi và tuyển sinh trong 3 năm”, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cho hay.

Vừa qua, trên báo Tiền phong có đưa tin, “Bộ GD&ĐT chi 749 tỷ đồng cho đổi mới thi và tuyển sinh giai đoạn 2018 – 2020.

Trong đó, năm 2018 là hơn 344 tỷ đồng, năm 2019 hơn 203 tỷ đồng và năm 2020 hơn 201 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi với tổng số tiền là hơn 266 tỷ đồng. Đối với năm 2018 dự kiến đầu tư hơn 84,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, đề án cũng chú trọng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, đồng thời xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí là 317 tỷ đồng (trong đó riêng năm 2018 kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm là 153 tỷ đồng). Ngoài ra còn hơn 40 tỷ chi cho phần mềm hỗ trợ tuyển sinh”.

Con số 749 tỷ chi cho đổi mới thi và tuyển sinh trong 3 năm thực sự là con số khiến nhiều chuyên gia bất ngờ. Nhất là hiện nay ngân sách nhà nước còn khó khăn, đời sống giáo viên chưa được cải thiện, nhiều trường học tại vùng sâu vùng xa còn trong tình trạng hoang tàn, dột nát…

Các chuyên gia nói gì về con số 749 tỷ?

Liên quan đến vấn đề trên, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). TS Lê Viết Khuyến cho hay: “Đề án mà báo chí đưa tin có tên đề án "Ðổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”.

749 tỷ đúng là con số quá sốc khiến nhiều người và cả tôi cũng "toát mồ hôi" khi biết Bộ GD&ĐT "mạnh tay" chi cho đổi mới thi và tuyển sinh trong 3 năm. Tôi nghĩ rằng, Bộ chỉ nên tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia.

Còn việc tuyển sinh ĐH là việc của các trường ĐH, điều này đã được quy định rất rõ trong điều 34 của Luật Giáo dục Đại học.

Về vấn đề thi THPT quốc gia tôi có ý kiến như sau: Vì là thi quốc gia nên cần đề thi chung cho tất cả các vùng miền trên cả nước, đương nhiên Bộ GD&ĐT dùng ngân sách quốc gia làm đề thi là hợp lý.

Thế nhưng, việc tổ chức thi như thế nào thì Bộ nên giao lại cho các địa phương và người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố khi Bộ GD&ĐT thanh tra, kiểm tra.

Bởi lẽ, địa phương đương nhiên họ nắm rõ tình hình địa bàn mình như thế nào để hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra. Còn nếu Bộ đứng ra tổ chức thi ở các địa phương thì tiêu cực đương nhiên Bộ phải chịu trách nhiệm.

Tôi không hiểu tại sao Bộ lại tính dùng ngân sách nhà nước để tổ chức thi ở các địa phương. Như vậy chẳng phải rất tốn kém và cồng kềnh?”

 Bộ nên giao việc tổ chức thi THPT về cho các địa phương (ảnh minh họa)

Về công tác tuyển sinh đề án dành kinh phí đầu tư vào phần mềm như: Năm 2018 đầu tư công tác tuyển sinh hơn 23 tỷ đồng, trong đó có 8 tỷ đồng cho phần mềm tuyển sinh điều chỉnh và 8 tỷ đồng phần mềm hỗ trợ xét tuyển trực tuyến. Năm 2019 chi phí cho công tác tuyển sinh hơn 14,2 tỷ đồng, trong đó vận hành và nâng cấp phần mềm là 7 tỷ đồng. Năm 2020 vận hành, nâng cấp phần mềm tuyển sinh 6 tỷ đồng…

TS. Lê Viết Khuyến cho hay: “Như tôi đã nói, Bộ GD&ĐT cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh (như quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục đại học ).

Để tiết kiệm ngân sách trong khoản chi cho phần mềm hỗ trợ tuyển sinh như trong đề án của Bộ là chi 43 tỷ cho phần mềm tuyển sinh thì Bộ nên chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do Trường đại học Thăng Long đề xuất.

Đứng đầu phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” là GS Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) cùng một số chuyên gia khác.

ĐH Thăng Long cũng cho biết sẽ cung cấp phần mềm này một cách miễn phí. Trong khi đó, phần mềm miễn phí này cũng đã được chạy thử với dữ liệu giả định là 2 triệu thí sinh và mỗi thí sinh được đăng ký đến 8 nguyện vọng. Phần mềm đã cho ra kết quả rất tốt.

Làm phần mềm đương nhiên phải tốn chi phí. Vậy tại sao có nơi cung cấp miễn phí Bô GD&ĐT lại nhất quyết không dùng mà chi mạnh đến 43 tỷ làm phần mềm?

Trong khi đó, trường học ở vùng khó khăn còn dột nát, nhiều học sinh còn không có điều kiện đi học, giáo viên ra khỏi ngành vì lương không đủ sống. Không biết điều này Bộ GD&ĐT có thấu? Câu hỏi này rất cần sự hồi đáp từ phía Bộ GD&ĐT”.