Bởi lẽ các loại vỏ lon và giấy vụn theo thói quen hầu như đều đã “thanh lý” cho các chị ve chai.
Hai cháu tôi đang học lớp 6 hào hứng lắm với kế hoạch này. Chúng lục tung mọi ngóc ngách trong nhà, sang hàng xóm hỏi xin, ra đường thấy giấy và lon là vội vàng nhặt. Số lon đã đủ nhưng lượng giấy vẫn thiếu mỗi cháu khoảng 0,5 kg. Thế là một cháu nảy ra “sáng kiến” gộp những quyển sách giáo khoa tập 1 đã học xong vào.
Ba mẹ cháu vội vàng gạt đi và chỉ cho cháu thấy sự khác nhau giữa giấy vụn và sách cũ. Những quyển sách ấy vẫn có thể dùng cho việc học tập của các em con chú bác cũng như có thể quyên góp giúp bạn nghèo. Hai cháu hiểu ra nhưng buồn vì không đủ số lượng nhà trường giao. Thế là tôi đóng góp mấy quyển báo, mẹ cháu mua hai thùng mì tôm về lấy giấy các-tông còn bố các cháu thì lục nhà kho tìm giấy.
Vừa đủ chỉ tiêu là hai cháu hí hửng mang đến trường ngay. Tôi bật cười hỏi: “Các cháu biết phong trào Kế hoạch nhỏ này có ý nghĩa gì không?”. Hai cháu ú ớ rồi trả lời chung chung. Tôi bèn giải thích cho các cháu về ý nghĩa của phong trào Kế hoạch nhỏ được Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh phát động từ năm 1958 nhằm giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, biết quý công sức lao động, biết tận dụng phế liệu… Qua đó cũng là cách bồi đắp lòng nhân ái, tinh thần “nhường cơm sẻ áo” trong mỗi đội viên. Tôi mở mạng cho các cháu xem những công trình ý nghĩa được dựng xây từ nguồn quỹ kế hoạch nhỏ trên khắp nước ta.
Hai cái đầu gật gù và khuôn mặt trẻ thơ rạng ngời hơn sau khi biết ý nghĩa của những việc thu gom vỏ lon bia, giấy vụn nhỏ bé ấy. Nhưng tôi biết ngoài kia vẫn còn rất nhiều phụ huynh hoài nghi về hiệu quả thiết thực của phong trào Kế hoạch nhỏ đang diễn ra trong trường phổ thông.
Không ít người ra hàng đồng nát hay gặp chị ve chai mua đủ số lượng vừa nhanh vừa tiện. Cái tư tưởng ấy đã vô tình dập tắt niềm vui của trẻ khi các cháu mất cơ hội tự thực hiện, tự trải nghiệm những việc nhỏ bé mà hữu ích.
Những ý kiến phản bác dễ dàng tuôn ra. Nào là con trẻ suốt ngày “canh” bàn nhậu để nhặt vỏ lon bia, cổ vũ phụ huynh uống bia để lấy lon; nào là cần dẹp đi một phong trào vô bổ làm khổ học sinh; nào là giáo viên tìm cách “moi tiền” cha mẹ học sinh thông qua mấy đống giấy vụn, vỏ lon…
Những luồng ý kiến trái chiều ấy phải chăng bắt nguồn từ công tác giáo dục, tuyên truyền của nhà trường và Hội đồng Đội chưa tới nơi tới chốn? Phong trào Kế hoạch nhỏ vẫn đang diễn ra đều khắp trên cả nước ta nhưng ý nghĩa của nó thì khá mơ hồ trong lòng học sinh. Các con cần nhận thức rõ ý nghĩa lớn lao của mỗi hành động nhỏ như thu gom giấy vụn, nhặt vỏ lon bia để thực hiện một cách tự nguyện và hào hứng.
Nhiều người đánh giá Kế hoạch nhỏ là một phong trào có ý tưởng tốt, mô hình tốt nhưng cách vận dụng còn cứng nhắc. Cụ thể là việc đặt ra chỉ tiêu bao nhiêu vỏ lon, chừng nào giấy vụn đã vô tình “gò” học sinh vào một giới hạn phải đạt, trong khi đây là một hoạt động tình nguyện. Nhiều trường đưa thẳng chỉ tiêu Kế hoạch nhỏ vào đánh giá tư cách đội viên, xếp loại thi đua của chi đội.
Vì vậy công tác này còn nặng về việc đôn đốc học sinh đạt chỉ tiêu hơn là chú trọng giáo dục ý thức. Vô tình căn bệnh thành tích đã “mọc rễ” ngay trong một hoạt động mang tính vận động này.
Tác giả: Thùy Mai
Nguồn tin: Báo Dân trí