Cổ phần hoá, thoái vốn ì ạch vì doanh nghiệp Việt "không thạo tiếng Anh"!?

Admin
Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital kể lại câu chuyện cách đây mấy năm có một công ty nước ngoài rất thích mua cổ phần của một DNNN đang cổ phần hoá (CPH) nhưng vì DN này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh nên nhà đầu tư này đã không thể tiếp cận.

Tại Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại DN” ngày 12/6, các chuyên gia cho rằng, tất cả DN khi bán vốn đều hướng tới mục tiêu làm sao để bán được với giá cao nhất. Nhưng không ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn do nhiều nguyên do khác nhau.

 Vấn đề cổ phần hóa đang đặt ra nhiều khó khăn trước và sau khi bán vốn Nhà nước.

Ì ạch CPH vì không thạo tiếng Anh!?

Hiện nay, quá trình CPH, thoái vốn DNNN đang bị đánh giá diễn ra chậm chạp, chính điều này đã làm không ít nhà đầu tư nản lòng, mất niềm tin.

Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital kể lại: Cách đây mấy năm có một công ty nước ngoài rất thích mua cổ phần của một DNNN đang CPH nhưng vì DN này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh nên nhà đầu tư này đã không thể tiếp cận.

"Chúng ta nên thống nhất quy trình công bố thông tin. Khi nào đi roadshow ở Hàn Quốc, London, khi nào không cần đi, khi nào cần bản cáo bạch bằng tiếng Anh", ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình CPH, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các DN được CPH.

Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn thì Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.

Liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin, bảo đảm cho công chúng và thị trường có được thông tin đầy đủ, kịp thời, ông Dương nhấn mạnh một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là công tác thông tin đến công chúng.

Ông này đề xuất “Theo định kỳ 6 tháng, hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về: Kế hoạch CPH/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; Những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch”.

TS Nguyễn Quang Trung, Đại học Rmit Việt Nam: Nhiều DNNN chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu IPO, thông tin cung cấp bởi DNNN còn kém chất lượng, chủ nghĩa thân hữu còn phổ biến trong việc lựa chọn nhà cung cấp, định giá tài sản đất đai còn phức tạp.

Theo ông Don Lam, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital: CPH DNNN giống như việc Nhà nước tổ chức kén rể cho con gái vậy, khi tìm hiểu kỹ nhân thân, lai lịch chú rể mới chắc chắn bảo vệ hạnh phúc cho con.

Quyền lợi nhà đầu tư, cổ đông nhỏ bị "treo dây"

PGs. Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ vai trò nhà đầu tư chiến lược vào hoạt động của DN sau CPH, có rất nhiều trường hợp tham gia vào Hội đồng quản trị chỉ mang tính hình thức.

"Các ý kiến, đề xuất cải thiện sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí của họ không được ghi nhận bởi cho dù được gọi là cổ đông chiến lược hay nhà đầu tư chiến lược thì họ vẫn là cổ đông thiểu số. Chính thực tế này đã hạn chế đáng kể những đóng góp của họ để giúp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Long nói.

Ông Long dẫn thống kê cho thấy, giai đoạn 2011 – 2016, trong số 426 DN, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của DN CPH. Điều này đã dẫn đến một thực tế đáng lo ngại là việc tham gia vào hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư Nghệ An dẫn ví dụ về việc quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ của mình tại Tổng Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) bị bỏ ngỏ hậu thoái vốn.

Ông Hiền nói: PVFCCo là một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với 60% vốn cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước, tương đương với 234.840.000 cổ phiếu, vốn hoá là 2.348,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi IPO, công ty này gần đây đã suy giảm lợi nhuận rõ rệt.

Lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 3.414 tỷ, đến năm 2017 chỉ còn 847 tỷ đồng và kế hoạch năm 2018 chỉ còn 440 tỷ đồng. Giá cổ phiếu năm 2007 là 80.000 đồng, năm 2012 là 34.000 đồng và đến 5/2018 chỉ còn trên dưới 17.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Hiền cho rằng, bài toán quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hiện nay đặt ra rất lớn, riêng với PVFCCo bất cập, sai phạm, yếu kém trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp của Ban lãnh đạo, trong đó đóng vai trò chủ chốt là những người đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước khi để lợi nhuận tụt dốc đáng kinh ngạc sau khi IPO.