Ngày mai 22/11, tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ bán ra 254,9 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán VCG), tương ứng 57,71% vốn.
Cổ phần Vinaconex đột nhiên được săn đón. |
Cùng đó, Tập đoàn Viettel sẽ bán đấu giá lô 94 triệu cổ phần VCG, tương đương 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex. Với mức giá tối thiểu 21.300 đồng, để mua toàn bộ sổ cổ phần Vinaconex được SCIC, Viettel chào bán, nhà đầu tư cần bỏ ra ít nhất 7.430 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đăng ký mua toàn bộ số cổ phần SCIC, Viettel chào bán.
Cụ thể, theo công bố từ HNX, có bốn nhà đầu tư đăng ký tham gia mua toàn bộ lô cổ phiếu của SCIC là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và một cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông.
Lô cổ phiếu VCG do Viettel bán ra cùng ngày, có hai đơn vị đăng ký mua là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.
Trong số nhà đầu tư này, ông Đông là cá nhân duy nhất đăng ký mua cổ phiếu VCG. Ông Đông sinh năm 1980, trú tại Thừa Thiên Huế. Hiện ông Đông không nắm giữ cổ phiếu VCG nhưng trong đợt bán đấu giá, ông đăng ký mua toàn bộ 254,9 triệu cổ phần của SCIC nắm giữ. Tại bản đăng ký mua cổ phần, ông Đông sẽ mua bằng vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Hầu hết các doanh nghiệp còn lại đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest có trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội mới thành lập ngày 9/11/2018, tức là chỉ 2 ngày trước khi đơn vị này gửi bản đăng ký mua cổ phần và chưa đầy nửa tháng trước thời điểm phiên đấu giá được diễn ra. Công ty này cũng cho biết thu xếp vốn tự có và các nguồn vốn tài chính khác để tham gia đấu giá.
Trong khi đó, một đơn vị mua khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ mới thành lập cuối năm 2017, có trụ sở tại TP.HCM và vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long JTC có trụ sở tại quận Thanh Xuân, vốn điều lệ 250 tỷ đồng song kết quả kinh doanh không ấn tượng khi để thua lỗ 2,8 tỷ đồng vào năm ngoái.
Công ty TNHH An Quý Hưng, trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội. Vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Năm 2017, An Quý Hưng đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam. Doanh nghiệp này có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Trịnh Cần Chính - con trai của ông Trịnh Văn Bô - nhà tư sản rất nổi tiếng tại Hà Nội những năm trước đây.
Mặc dù cổ phần Vinaconex đang rất đắt khách, tuy nhiên giá cổ phiếu của doanh nghiệp này những phiên gần đây vẫn giao dịch rất phập phù. Chốt phiên giao dịch ngày 20/11, giá cổ phiếu VCG của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tăng 200 đồng, tương đương 1,1%, đạt 18.300 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần từ 14 – 20/11, thị giá cổ phiếu VCG mất 0,54%. Tính chung cả tháng (22/10 – 21/11), qua 23 ngày giao dịch, cổ phiếu VCG mất 3,17%, tương đương 600 đồng.