11h trưa 19/8, chị Phan Tâm (một công chức làm việc ở khu vực Cầu Giấy) bất ngờ nhận được thông báo có công điện khẩn về bão, yêu cầu phụ huynh đón con trước buổi trưa. "Khi tôi đến, các bé đã được đón gần hết. Hai mẹ con đi xe máy, may đoạn đường từ trường về nhà ngớt mưa nên yên tâm chở con về đến nhà", chị Tâm chia sẻ.
Không chỉ chị Tâm, nhiều phụ huynh có con theo học tại hệ thống trường phổ thông liên cấp trong khu đô thị Times City, THCS Nguyễn Tất Thành, THPT Marie Curie... cũng nhận được thông báo "toàn hệ thống từ mầm non đến THPT nghỉ sớm từ 12h và rời trường từ 13h để di chuyển về nhà. Học sinh nghỉ buổi chiều".
Không chỉ chị Tâm, nhiều phụ huynh có con theo học tại hệ thống trường phổ thông liên cấp trong khu đô thị Times City, THCS Nguyễn Tất Thành, THPT Marie Curie... cũng nhận được thông báo "toàn hệ thống từ mầm non đến THPT nghỉ sớm từ 12h và rời trường từ 13h để di chuyển về nhà. Học sinh nghỉ buổi chiều".
Học sinh nhiều trường ở Hà Nội được nghỉ học từ chiều nay.
Không chỉ các trường học, nhiều công sở cũng đồng loạt thông báo cho nhân viên nghỉ làm và chủ động tìm kiếm phương tiện đi về an toàn trong buổi trưa. Nhân viên tòa nhà FPT Duy Tân (khu vực Cầu Giấy) nhận được khuyến cáo rời công sở trước 3h chiều.
Chị Thu Thanh - Trưởng phòng nhân sự của một công ty về công nghệ tại tòa nhà cho hay: "Rất lâu rồi tôi mới nhận được chỉ thị của tòa nhà thông báo tình hình bão cho cán bộ nhân viên. Bên tôi có khá nhiều nhân viên làm việc ngoài trời nên ngoài việc gửi thư khuyến cáo mọi người về sớm, chúng tôi còn có ý định gửi tin nhắn cho từng nhân viên để kịp thời di chuyển, tránh thiệt hại".
Tương tự vậy, chị Vũ Thanh Nhàn (ở tòa nhà Hàng Hải, phố Đào Duy Anh, Đống Đa) cho biết trước thời gian dự báo Hà Nội bị ảnh hưởng, khoảng 60% nhân viên trong phòng chị xin phép ra về để tránh bão.
"Phòng tôi hôm nay chỉ có vài người đi làm sau khi chứng kiến cảnh cơn giông tối qua. Mưa to quá nên ai cũng sợ. Còn bây giờ mọi người cũng đang kéo về gần hết", anh Lê Minh (Tổng công ty vận tải Hà Nội) chia sẻ.
Sau bữa cơm trưa tại văn phòng, chị Phương Anh (nhân viên truyền thông) tranh thủ về luôn sau khi nghe tin bão mạnh lên vào lúc 15h. "Nghe nói bão to lắm, nếu sếp không cho nghỉ thì tôi cũng vẫn phải về, lo cho con và nhà cửa lắm", chị nói.
Một phụ huynh đón con trước khi bão ảnh hưởng mạnh tới Hà Nội.
Trước giờ bão đổ bộ, nhu cầu di chuyển bằng taxi, uber của người dân Hà Nội tăng đột biến, khiến các hãng đều quá tải. Đường dây của các hãng lớn, phổ biến như Mai Linh, Taxigroup, Thanh Nga, Thành Công... bận liên tục. Một số tổng đài viên còn trả lời khách không có xe. Việc bắt xe trước cửa các công sở lớn tại các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... rất khó khăn. Chỉ những hành khách nào may mắn mới lên được chiếc xe vừa chở khách tới. Cùng thời điểm này, cước của các dịch vụ gọi xe phổ biến như Grab, Uber tăng cao.
Anh Trương Tùng cho biết anh đặt GrabCar - hình thức di chuyển giá rẻ hơn của Grabtaxi - đi từ Duy Tân về La Thành, khoảng 4 km, được báo giá 137 nghìn đồng, trong khi giá bình thường khoảng 40 nghìn đồng. Tuy vậy, sau khoảng 5 phút đặt thử vẫn không có xe nào chịu nhận chở. Chị Loan, một nhân viên công sở tại Cầu Giấy muốn đi đón con trai học mẫu giáo phải trả cước gần 100.000 đồng cho 4 km, cao gấp 2,5 lần thông thường.
Tương tự, khách hàng sử dụng Uber cũng rất khó gọi xe, dù chấp nhận mức cước cao gấp 2-3 lần so với thông thường được báo trên ứng dụng.
Du khách co ro trước ảnh hưởng của bão vào Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên tình hình đối phó bão được đặt ở mức khẩn cấp tại Hà Nội trong năm nay. Chiều tối 18/8, cơn giông bất chợt đổ bộ Hà Nội dù chỉ kéo dài 3 tiếng, nhưng gió giật mạnh làm gãy đổ một số cây xanh nhỏ và hàng quán trên phố gây nhiều lo lắng cho người dân. Sáng nay, tình hình thời tiết được đánh giá khó lường làm tăng thêm nỗi lo lắng của người dân.
Sáng qua, UBND thành phố Hà Nội ra Công điện khẩn gửi các cấp, ngành về phòng chống, ứng phó bão số 3.
Ông Hoàng Hữu Trung - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết từ chiều 18/8, Sở đã gửi công văn tới các trường học trên toàn thành phố, "yêu cầu chủ động căn cứ vào tình hình thời tiết cho học sinh và cán bộ, giáo viên nghỉ học để đảm bảo an toàn".
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, lúc 14h tâm bão trên đất liền Hải Phòng và Thái Bình, mạnh cấp 9 (90 km/giờ), giật cấp 10-12. Dự báo 12 giờ tới, bão giữ tốc độ 15-20 km/h, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc.
Tác giả bài viết: Thu Hồng & Hoàng Anh