Đặc khu, nhìn từ góc độ ưu đãi thuế

Admin
Liệu ba đặc khu có trở thành cực tăng trưởng mới cho đất nước xét từ góc độ ưu đãi thuế.

Hôm nọ dự hội thảo nhằm cổ vũ về kỳ vọng phát triển ba đặc khu kinh tế, tôi rất ngạc nhiên với một nhận xét của kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckardt. Ông nói: “Việt Nam xây dựng ra và làm nhiều đặc khu kinh tế khác nhau, điều này có thể khởi động những “cuộc đua xuống đáy” của chính sách ưu đãi”. Ông giải thích, lẽ ra Việt Nam nên đưa ra những chính sách bằng nhau để tạo môi trường kinh doanh công bằng trên toàn quốc, thay vì chỉ áp dụng những ưu đãi cho riêng ba đặc khu này.

Lời cảnh báo “cuộc đua xuống đáy” bất chợt làm tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 13 năm dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Năm 2005, ông Khải đã phải làm một việc chưa có tiền lệ là ra văn bản cảnh cáo lãnh đạo của 33 tỉnh thành vì họ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về hỗ trợ tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, hỗ trợ đầu tư... vượt khung luật pháp hiện hành.

Vì sao Thủ tướng lại phải thổi còi? Chẳng nhẽ ông không muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp? Thực ra, ông Khải muốn chống lại một “cuộc đua xuống đáy” của các địa phương với nguy cơ hiện hữu là Nhà nước thất thu thuế, làm mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh nói chung, gây chảy máu dòng vốn từ địa phương này sang địa phương khác để hưởng ưu đãi và chính sách kinh tế tổng thể của quốc gia bị phá vỡ.

Trở lại dự thảo Luật đặc khu, tôi băn khoăn một số điểm có thể lặp lại những bài học như trên. Dự thảo đề xuất một loạt các chính sách ưu đãi vượt trội so với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, kéo dài thời gian áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% lên tới 30 năm, đồng thời mở rộng diện áp dụng sang các dự án trong các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.

Theo quy định pháp luật hiện nay, mức ưu đãi cao nhất về thuế TNDN đối với một số lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đang được áp dụng tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao là áp dụng mức thuế ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

 Đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dự thảo còn các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân với mức ưu đãi mở rộng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng thuộc diện ưu đãi đầu tư tại các đặc khu này.

Dự thảo cũng đề cập rất đậm về những ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược. Ví dụ, các dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư chiến lược.

Hiện nay, tại ba đặc khu dự kiến đã và đang tiếp nhận rất nhiều các dự án đầu tư khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn trong khi chưa hề có một ưu đãi đầu tư nào. Vậy thì việc đưa các dự án này vào danh mục ưu đãi đầu tư ưu tiên cao nhất có cần thiết không? Vì sao lại phải ưu đãi với các dự án bất động sản?

Đối với các casino, trở ngại lớn nhất trong thời gian qua chính là quy định về việc người Việt Nam có được phép vào casino hay không chứ không phải là ưu đãi thuế. Như vậy, nếu đặt ra ưu đãi nhưng không cho phép người Việt Nam vào casino thì cũng không thể thu hút các dự án casino; và ngược lại nếu đã cho người Việt vào casino thì ưu đãi trở thành thừa và gây lãng phí. Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất thời hạn sử dụng đất tối đa 99 năm cho một số dự án đặc biệt nhưng lại không có tiêu chí cụ thể khi cấp đất cũng như chế tài để thu hồi đất với những dự án kém hiệu quả.

Với quy mô các dự án chiến lược nêu trên, có thể nói đại đa số nguồn vốn đầu tư trong tương lai tại các đặc khu sẽ đến từ các dự án của các nhà đầu tư chiến lược. Với những ưu đãi miễn, giảm, ưu đãi hết cỡ như trên, liệu Việt nam sẽ thu được gì? Trong khi đó, dự thảo cho phép chính quyền đặc khu được bội chi đến 70% số thu ngân sách trên địa bàn thì liệu thu có đủ chi?

Bên cạnh đó, với những ưu đãi vượt trội này các địa phương khác trên cả nước trở nên hoàn toàn bất lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực tương tự. Như vậy, ngoại trừ lĩnh vực casino, một khả năng lớn là các nhà đầu tư tiềm năng sẽ bỏ các địa phương còn lại để tập trung vào 3 đặc khu. Xét về tổng thể, môi trường kinh doanh của quốc gia sẽ trở nên không còn công bằng.

Liên quan đến đất đai, dự thảo quy định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, sở hữu nhà ở thương mại và dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức cá nhân trong nước. Đây là điều làm tôi rất suy nghĩ vì trong các trường hợp này là vĩnh viễn, không có giới hạn về thời gian và số lượng.

Dù đất đai là “sở hữu toàn dân” nhưng làm sao “thu hồi” được khi họ đã mua nhà, xây nhà trên đất ở các đặc khu tương lai? Điều này là rất đáng quan tâm vì cả 3 đặc khu dự kiến đều có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng. Tôi nghĩ, lẽ ra phải quy định chặt chẽ để lường trước vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia.

Tháng 12/2017, Việt Nam đã bị EU liệt kê vào Danh sách xám gồm 46 quốc gia bị theo dõi về vi phạm thuế. Một trong những lý do là Việt Nam bị cho là có những ưu đãi thuế có hại trong các khu chế xuất. Dự thảo Luật đặc khu đưa ra những quy định ưu đãi còn vượt quá cả các nội dung trước đó áp dụng với các khu chế xuất. Liệu chúng ta có đối diện với nguy cơ bị chuyển từ Danh sách xám lên nhóm các nước thuộc Danh sách đen với các biện pháp giám sát chặt chẽ về thuế và thương mại hay không?

Mong muốn, kỳ vọng biến ba đặc khu dự kiến là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trở thành cực tăng trưởng mới là rất chính đáng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Bên hành lang Quốc hội sáng 6/6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, ưu đãi thuế đã không còn nhiều. Song, những ưu đãi như vậy cũng cần suy tính, thảo luận thêm, đặc biệt trong bối cảnh có tới 85% doanh nghiệp FDI được khảo sát cho biết họ không cần ưu đãi thuế.