Cua sống (Gejang), bạch tuộc nguyên con là những món ăn kinh dị ở Hàn Quốc không phải thực khách nào cũng dám thử. Và ở “xứ sở kim chi” còn một món đặc sản nặng mùi khác là Hongeo "cá đuối lên men”, có mùi amoniac khó chịu. Có lẽ, đây cũng là một trong những món ăn “nặng mùi” nhất thế giới.
Những con cá đuối tươi sống được để lên men |
Nguyên liệu chính của món ăn đương nhiên là cá đuối. Giống như cá mập, cá đuối không có bàng quang hay thận nên chúng xử lý chất thải qua da bằng cách thoát ra ngoài dưới dạng axit uric. Đó là lý do cá đuối thường ăn khi còn tươi sống. Tuy nhiên, khi lên men, axit uric trên da sẽ chuyển thành amoniac giống mùi nước tiểu, tạo mùi khai đặc trưng.
Lát cá đuối tươi bảo quản trong hộp xốp |
Thời điểm xuất hiện món ăn này vẫn chưa thấy rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, Hongeo có thể xuất hiện trên bàn ăn từ thế kỷ 14 trong triều đại Cao Ly. Khi đó, do tủ lạnh chưa được phát minh, người ngư dân nhận thấy cá đuối chỉ cần lên men sẽ bảo quản và vận chuyển trong môi trường tự nhiên lâu dài mà không bị thối rữa, ngay cả khi không ngâm muối.
Cá đuối lên men ăn kèm cùng nhiều loại khác để át bớt mùi hôi |
Những con cá tươi ngon được xếp trong ngăn đá tủ lạnh và để tự lên men trong khoảng 1 tháng. Khi đó, cá tỏa ra thứ mùi rất nặng, còn được ví như mùi toilet. Lúc đó, người ta sẽ mang cá ra thái lát mỏng vừa miệng rồi ăn sống.
Cá đuối lên men có hương vị đặc biệt, khá dai, thịt xốp, có sụn cứng nên khó nuốt. Món ăn được kèm thêm thịt lợn luộc thái mỏng, tôm muối, tỏi sống, muối ớt, kim chi. Thực khách lần đầu thưởng thức sẽ kẹp miếng cá đuối cùng nhiều đồ kèm thêm cho bớt mùi khó chịu. Thậm chí, nhiều người nhắm mắt khi nuốt miếng đầu tiên. Mùi hôi tanh còn bám lên quần áo, da tóc người ăn hàng giờ sau khi dùng bữa. Dù vậy, nhiều người vẫn ưa thích hongeo sau vài lần ăn quen.
Phản ứng của khách nước ngoài khi lần đầu ăn cá đuối lên men |
Người sành ăn lại cho rằng, nên dùng ngay hongeo khi vừa lên đĩa. Việc ăn kèm hay cố làm chúng bớt mùi chỉ khiến món ăn không còn nguyên vẹn sự hấp dẫn như ban đầu. Người nghiện hongeo lại thích thú với mùi tự nhiên của nó. Họ hít hà món ăn cả bằng mũi và miệng.
Ở Hàn Quốc, cá đuối hongeo trở thành món đặc sản. Người dân tại đây tiêu thụ tới 11,000 tấn hongeo mỗi năm.