Dặn trường đại học đừng tuyển sinh vơ vét: Hỏi ngược!

Admin
Trường đại học mọc lên như nấm khiến công tác tuyển sinh gặp khó khăn. Phải giao cho các trường tự chủ, chất lượng ở cả đầu vào và đầu ra.

Tại hội nghị trực tuyến tổ chức ngày 15/6, đề cập đến công tác tuyển sinh năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học cân nhắc, dù khó khăn đến mấy cũng không thể "vơ" bằng mọi cách.

Theo lãnh đạo Bộ, thương hiệu, chất lượng của một trường đại học được xây dựng từ điểm đầu vào. Điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo.

GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn thẳng thắn cho rằng, yêu cầu trên của Bộ GD-ĐT đang làm khó các trường và có thể khiến nhiều trường đại học đóng cửa.

Theo vị chuyên gia, trước khi đặt ra yêu cầu trên, cần làm rõ vì sao các trường phải làm mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu? Đó là vì việc thành lập trường đại học, cao đẳng trong những năm qua phát triển theo số lượng, chạy theo quy mô đào tạo và thành tích của bộ, ngành, địa phương mà chưa chú ý tới quy hoạch chung cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Khi đã mở ra rồi, các trường bắt buộc phải tuyển đủ chỉ tiêu để tồn tại.

"Việc mở ra nhiều trường, nếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì được, nhưng tỉnh nào cũng có trường đại học, thậm chí có tới 2-3 trường đại học trong khi điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên không bảo đảm làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.

 Việc thành lập trường đại học, cao đẳng trong vài năm gần đây phát triển theo số lượng. Ảnh minh họa

Khi mở trường ra thì vấn đề người học rất quan trọng, nó cung cấp nguồn tài chính để góp phần xây dựng nhà trường, đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên... Thế nhưng các trường đại học có quyền tuyển sinh cả đại học và cao đẳng, trung cấp, vậy các trường cao đẳng, trung cấp khác lấy đâu ra thí sinh để tuyển?

Có sự bất bình đẳng giữa trường công lập và trường tư. Các trường công lập bên cạnh hệ A còn đưa ra hệ B, vậy làm sao các trường tư bảo đảm đủ thí sinh được, nhất là khi tâm lý sinh viên vẫn thích trường công và thương hiệu trường công hơn.

Các trường đại học ở Việt Nam hiện nay rất "lung tung", nhiều khi vì nghĩ để bình đẳng với các thành phố lớn mà các tỉnh nhỏ cũng phải có đại học. Nhưng thực ra điều đó là vô nghĩa vì chất lượng không bảo đảm, giáo viên không bảo đảm, nhiều nơi còn phải thuê giáo viên ở thành phố về dạy", GS.TSKH Phạm Phố cho biết.

Từ đây, ông nói thẳng, khi các trường được cho phép thành lập thì họ bắt buộc phải tuyển sinh để có nguồn thu, đảm bảo sự tồn tại của trường. Nếu trường không lấy được số học sinh tốt nghiệp phổ thông thì phải xét học bạ.

"Bộ GD-ĐT đã không tính toán đầy đủ, không kiểm soát được số lượng, chất lượng các trường đại học.

Dù thực tế như vậy nhưng tại sao Bộ vẫn níu kéo? Có vấn đề lợi ích ở trong đó hay không?", ông Phố đặt câu hỏi.

Để giải quyết vấn đề này, theo GS.TSKH Phạm Phố, phải giao cho các trường tự chủ, chất lượng giáo dục không chỉ ở đầu vào, khi đã mở đầu vào thì phải thoát đầu ra. Ở các nước khác cũng vậy.

Ông dẫn trường hợp của nước Pháp làm ví dụ. Theo đó, đối với các trường lớn, sau khi thi tú tài học sinh muốn vào trường lớn thì phải thi. Tuy nhiên, với các trường nhỏ thì học sinh không cần thi, chỉ cần đăng ký để tuyển vào, quan trọng là người đó có học được hay không. Thậm chí, các kỹ sư tốt nghiệp các trường nhỏ sau này muốn vào trường lớn thì cũng phải thi.

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo GS.TSKH Phạm Phố, mới chỉ đang chăm chăm đầu vào. Có một thực tế là, người học cứ vào được đại học là yên tâm bởi vào được và ra được, số lượng ra hầu như không kém lúc vào là bao nhiêu, trừ trường hợp sinh viên... bỏ học.

"Đại học là để nâng cao trình độ, còn đạt được trình độ nào phụ thuộc vào kết quả của người học. Đừng nghĩ rằng cứ vào đại học là tốt nghiệp cả, vào đại học mà không tốt nghiệp thì cũng vô ích. Vấn đề là đào tạo kiến thức, người có trình độ thì điều kiện khác với người không có học", GS Phố nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia, ngay việc ngành giáo dục siết việc thành lập mới các trường đại học cũng là chưa đầy đủ và khó giải quyết được vấn đề. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, dẫu có yêu cầu cao, chẳng hạn về vốn điều lệ, các điều kiện thẩm định... thì người ta vẫn đáp ứng được, các trường đại học vẫn cứ mọc lên như nấm.

"Vấn đề là chất lượng có quản được không? Bộ GD-ĐT phải trả lời được câu hỏi này mới mong mỗi kỳ tuyển sinh không phải yêu cầu các trường đừng tuyển sinh bằng mọi giá", GS.TSKH Phạm Phố nói.