Dự án thủy điện Nepal khốn đốn vì công ty Trung Quốc 'bỏ của chạy lấy người'

Admin
Công ty Trung Quốc rút khỏi dự án thủy điện West Seti trị giá 1,2 tỷ USD vì chi phí tái định cư và khắc phục môi trường quá cao.

 Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli (phải) duyệt đội danh dự cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 6/2018. Ảnh: SCMP.

Phái đoàn cấp cao từ Tập đoàn đầu tư CWE, một công ty con của Tập đoàn Tam Hiệp, Trung Quốc tuần này thông báo với quan chức Nepal rằng họ muốn rút khỏi dự án thủy điện West Seti 750 megawatt vì nhận thấy không khả thi về mặt tài chính, dù đã ký thỏa thuận hợp tác cách đây 6 năm, theo SCMP.

CWE ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Nepal về việc xây dựng dự án thủy điện này vào năm 2012, động thái được coi là khởi đầu của quan hệ đối tác giữa Nepal và Trung Quốc trong việc khai thác các nguồn thủy điện phong phú của quốc gia Nam Á.

Quan chức Ủy ban Đầu tư Nepal cho biết MOU và thỏa thuận sau đó giữa CWE với Cơ quan Điện lực Nepal bây giờ sẽ phải hủy bỏ. Trong một nỗ lực cuối cùng để cứu hợp đồng, quan chức cấp cao Nepal gồm Bộ trưởng Tài chính Yubaraj Khatiwada và Bộ trưởng Năng lượng Barshaman Pun đã đề nghị giảm công suất phát điện của dự án từ 750 MW xuống 600 MW trong cùng hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD và mở rộng hợp đồng mua bán điện từ 10 năm lên 12 năm.

"Phía Tam Hiệp nói rằng đề nghị mới của Nepal sẽ giải quyết một số lo ngại của họ song việc tái định cư và khắc phục môi trường cũng như đưa điện tới thủ đô Kathmandu nằm cách xa dự án thủy điện sẽ rất khó khăn về mặt kỹ thuật và tài chính. Trung Quốc không muốn xem xét lại lập trường của họ", quan chức Nepal giấu tên cho biết.

Trung Quốc thâm nhập thị trường thủy điện Nepal một năm sau khi công ty Snowy Mountain của Australia không huy động đủ kinh phí. Tiềm năng thủy điện của Nepal ước tính vào khoảng 42.000 MW và được xem là chìa khóa để giúp Nepal thoát đói nghèo.