Gần 20 năm sống trong dự án treo

Admin
Dự án Khu tái định cư (TĐC) cuối tuyến Bạch Đằng Đông ở các tổ 7, 8 và 54 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) được phê duyệt quy hoạch, đã kiểm định lần đầu vào năm 1999, năm 2012 kiểm định lại, bổ sung. Đến nay, hơn 60 hộ dân trong vệt dự án này vẫn chưa nhận được bảng áp giá đền bù, cuộc sống của họ bị “treo” qua 18 năm bởi dự án chưa thực hiện.

 Nhà cửa nhếch nhác ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo.

Dân chờ câu trả lời dứt khoát

Nhà ông Huỳnh Viết Khánh, Tổ trưởng dân phố 8 khá chật chội, mọi vật dụng đều cũ kỹ và nhếch nhác. Nhà được xây dựng năm 1992, trông bề ngoài khá vững chãi, kiên cố, nhưng ông Khánh cho biết “cứ có mưa là nước thấm dột”.

Ông Khánh nói, nhà có… 5 cặp vợ chồng cùng sống chung, với khoảng 20 nhân khẩu, nên phải đi thuê nhà trọ để ở hoặc tá túc nhà nội, ngoại. Nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa sang, bởi nếu sửa sơ sài thì nhanh hỏng vào mùa mưa bão, sửa kiên cố thì chính quyền cấm vì nằm trong vùng quy hoạch.

“Nhà xuống cấp, nếu không xây kiên cố thì rất nguy hiểm vào mùa mưa bão vì ở đây gần biển, ngay cửa sông nên gió mạnh lắm. Không hiểu vì sao có vệt đất nhỏ với mấy chục hộ dân mà suốt gần 20 năm qua không thể giải tỏa. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, dân hỏi có quy hoạch nữa không, sao không hoàn thành giải tỏa cho dân ổn định cuộc sống. Câu trả lời mà chúng tôi nhận được là… “chờ”. Gần 20 năm mà vẫn cứ… chờ”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết, trong tổ 8, nhà này mưa thì nước tràn ngoài đường vào nhà; nhà nọ tường bị nứt, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, phải lấy tôn che đỡ. Tại nhà bà Hoàng Thị Xuân - mặt tiền đường Nguyễn Trung Trực - trông nhếch nhác, cây cối phủ rợp kín quanh nhà, nền nhà thấp hơn vỉa hè. “Trời mưa, nước tràn vào nhà. Cả nhà tập trung tát nước. Không hiểu vì sao gần 20 năm qua quy hoạch rồi để “treo” thế này mãi”, bà Xuân chia sẻ.

Đứng trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Trực, ông Khánh chỉ tay về phía mấy ngôi nhà quay lưng vào đám cỏ dại, cây bụi mọc phủ kín, che ngang mặt người. Đấy là cái vũng nước, khi các đường mới (Nguyễn Trung Trực, Vân Đồn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Sĩ Cố) được xây dựng, đã tạo nơi này thành vũng, hễ mưa thì ngập. Rồi hằng ngày người dân xả nước thải sinh hoạt xuống vũng nước ấy. Muỗi, ruồi, chuột, rắn, rết ẩn nấp trong đó…

Theo ông Khánh, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có câu trả lời dứt khoát về vấn đề quy hoạch, giải tỏa, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

 Con đường đất đỏ nhếch nhác, đất đá lổn nhổn. Ảnh: TRỌNG HUY

Tiếp tục... chờ bố trí vốn

Theo bà Đỗ Thị Minh Hương, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, có khoảng hơn 60 hộ dân ở các tổ 7, 8 và 54 thuộc vệt quy hoạch dự án Khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng Đông, được phê duyệt từ năm 1999. Năm 1999 kiểm định lần 1, năm 2012 kiểm định lần 2 nhưng đến nay chưa có bảng áp giá đền bù. Nhà cửa bị xuống cấp, bức xúc về nhà ở khu vực này là rất chính đáng.

Tuy nhiên, công tác sửa chữa lại vướng do nằm trong vùng quy hoạch. Bà Hương ghi nhận tình trạng ngập úng tại nhà bà Hoàng Thị Xuân và không thể giải quyết dứt điểm bất cập này. “Ngoài kiến nghị theo lịch tiếp xúc cử tri, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về tình trạng dự án bị trì trệ quá lâu. Mong muốn thành phố quan tâm, sớm giải tỏa khu vực này, nhất là vào mùa mưa bão sắp đến, để người dân ổn định cuộc sống”, bà Hương nói.

Được biết, năm 2015, Sở Xây dựng có Công văn số 7917/SXD-QLQH trình UBND thành phố về kiến nghị giữ nguyên quy hoạch dự án Khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng Đông; giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Dự án xây dựng số 3 và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố bố trí vốn để triển khai dứt điểm việc giải tỏa, đền bù tại khu A1 và A2 trong năm 2016.

Đồng thời, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan lập các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất khu A1, A2 theo quy định. Giao UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, Ban quản lý Dự án Xây dựng số 3 và các đơn vị liên quan xác định cụ thể số hộ thuộc diện giải tỏa tại khu A3, A4, A6 và A7 (thuộc dự án Khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng Đông). Trên cơ sở đó, lập phương án giải tỏa đền bù và bố trí TĐC, xác định kinh phí giải tỏa đền bù; phân kỳ đầu tư, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư để cân đối vốn, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Theo UBND quận Sơn Trà, hằng năm quận đều có báo cáo chi tiết gửi UBND thành phố về dự trù kinh phí và phương án bố trí TĐC dự án Khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng Đông. Theo đó, tổng diện tích các khu đất gần 19.000m2, hồ sơ kỹ thuật thửa lập (năm 2012) khoảng 43 thửa.

Có tổng số 47 hồ sơ đền bù (43 hộ chính, 4 hộ phụ), tổng diện tích thu hồi đất theo thửa đã lập (cũ) trên 5.000m2. Tổng giá trị đền bù, hỗ trợ tạm tính trên 40 tỷ đồng. Tổng số lô đất dự kiến bố trí là 54, bố trí vào các khu thuộc quỹ đất TĐC thực tế, các khu đất thuộc dự án dự kiến khai thác quỹ đất để thực hiện dự án trên địa bàn quận Sơn Trà.

Trong báo cáo gửi UBND thành phố, UBND quận Sơn Trà nêu rõ: “Dự án khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng Đông phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà quy hoạch đã lâu, kéo dài nhiều năm. Đây là khu vực cuối cùng trên địa bàn phường Nại Hiên Đông nằm trong quy hoạch nhưng chưa được giải phóng mặt bằng. Hiện trạng khu nhà dân đã xuống cấp, gây bức xúc cho cử tri trong khu vực, đồng thời đây là mỹ quan, bộ mặt của thành phố nhìn về phía đông sông Hàn”.

Theo một lãnh đạo UBND quận Sơn Trà, hiện nay chỉ chờ nguồn vốn bố trí từ thành phố, có kinh phí sẽ triển khai ngay công tác giải tỏa mặt bằng, di dời các hộ dân theo kế hoạch.