Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt ở Canada

Admin
Bà Sabrina Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, đã bị nhà chức trách Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.

“Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Vancouver vào ngày 1-12”, tờ South China Morning Post ngày 6-12 dẫn lời ông Ian McLeod, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Canada, nói trong một email giải đáp các câu hỏi.

“Bà này bị Mỹ truy tìm để dẫn độ và một phiên tòa về vấn đề tại ngoại đã được ấn định vào ngày 7-12” - ông McLeod cho biết, đồng thời nói thêm rằng do có lệnh cấm công khai thông tin nên họ “không thể cung cấp bất cứ chi tiết nào vào lúc này”.

Theo một số nguồn tin truyền thông Trung Quốc, bà Mạnh sẽ kế nhiệm cha mình đồng thời là người sáng lập Tập đoàn Huawei là ông Nhậm Chính Phi.

Bà bị bắt giữ do toan tính lách lệnh cấm vận thương mại được Mỹ áp đặt đối với Iran, theo tờ The Globe and Mail dẫn một nguồn thạo tin về vụ bắt giữ.

Bà Sabrina Mạnh Vãn Châu. Ảnh: SCMP

 Bà Sabrina Mạnh Vãn Châu. Ảnh: SCMP

Hồi tháng 4 năm nay, tờ The Wall Street Journal đưa tin các công tố viên New York đang điều tra Huawei do nghi ngờ tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Bản tin về cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào Huawei được đưa ra sau khi các công tố viên nước này kích hoạt những biện pháp trừng phạt nhằm vào ZTE, một hãng viễn thông khác của Trung Quốc liên quan đến việc bán thiết bị cho Iran.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, đồng bảo trợ cho dự luật duy trì lệnh cấm nếu ZTE bị phát hiện có thêm hành động vi phạm, đã tuyên bố Huawei và ZTE là “hai mặt của một đồng tiền”, đồng thời khẳng định các công ty viễn thông Trung Quốc “mang lại rủi ro cơ bản cho an ninh quốc gia Mỹ”.

Phản ứng về vụ bắt giữ bà Mạnh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa đã ra tuyên bố khẳng định Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ kiểu hành động gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân quyền của nạn nhân”.

Về phần mình, phía Huawei thừa nhận có biết về yêu cầu bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh của chính phủ Mỹ. Trong một tuyên bố, tập đoàn này cho biết họ “không biết gì về hành động sai trái của bà Mạnh”, đồng thời bày tỏ mong muốn các hệ thống pháp luật của Canada và Mỹ “cuối cùng sẽ đi đến một kết luận công bằng”.

Theo tiểu sử của bà Mạnh, bà này gia nhập Huawei vào năm 1993 và từng nắm giữ nhiều chức vụ trong bộ phận tài chính. Bà hiện còn là một trong những phó chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Trung Quốc.