Khu vực đất công ích thuộc quận Kiến An TP Hải Phòng hiện đang bỏ hoang. Ảnh: KT |
UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện: Thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình địa phương, đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai được thực hiện nghiêm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp thực hiện đúng tiến độ; việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện đúng quy định.
Hoàn thiện việc rà soát, xác định mốc giới, đo đạc, giao đất cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của các Công ty Nông, Lâm nghiệp theo Nghị quyết số 112/2005/QH 13 của Quốc hội.
Từng bước cân đối nguyền vốn để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Các công trình, dự án đã có Quyết định thu hồi đất, phương án, bồi thường hỗ trợ tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được, nhất là các dự án, công trình trọng điểm và các trường hợp đã có quyết định thu hồi đất có trước ngày 1/7/2014 cần làm rõ nguyên ngân và có hế hoạch, biện pháp khắc phục để các dự án, công trình thực hiện đầu tư.
Chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện cho giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích quyền sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý xác định giá đất cụ thể để đảm bảo chất lượng và thời gian yêu cầu.
Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai của địa phương để đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện cấp GCNQSDĐ cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai.
Đẩy mạnh và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho việc thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đất đai; bảo đảm tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Kiện toàn, tăng cường năng lực cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và các hướng dẫn của bộ, ngành để khắc phục khó khăn hiện nay và nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức này nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp của Luật Đất đai và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.