Hải Phòng: Giáo viên vẫn dạy thêm, học thêm ngoài quy định

Admin
Từ đầu năm học mới đến nay, mặc dù đã quán triệt việc dạy thêm, học thêm nhưng trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn xảy ra tình trạng này và hoạt động DTHT ngày càng có chiều hướng gia tăng, các cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.

Theo thông tin đăng trên trang web của Sở GDĐT Hải Phòng, mặc dù UBND Thành phố đã có Quyết định số 2050 ban hành ngày 13/11/2012 quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) trong đó, Điều 3 quy định về các trường hợp không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ hoạt động: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Đối với bậc THCS, THPT, giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải được lãnh đạo nhà trường cho phép và cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Thế nhưng thời gian qua trên địa bàn thành phố vẫn có tình trạng nhiều lớp DTHT ngoài nhà trường không phép và gần đây việc DTHT ngoài nhà trường gia tăng đột biến, ở các cấp học với hình thức tổ chức dạy và học đa dạng, như: thuê địa điểm học ở nhà dân, ngay tại nhà giáo viên, ở các trung tâm…

 Cần chấn chỉnh kịp thời việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định (ảnh: Haiphong.edu.vn)

Tiến hành kiểm tra thực tế, Thanh tra ngành GDĐT phát hiện có trường hợp giáo viên tiểu học vi phạm tổ chức các lớp học thêm ngoài nhà trường dưới hình thức thỏa thuận với phụ huynh học sinh dạy kèm phụ đạo, có những lớp học lên đến 20-30 học sinh. Tình trạng này cũng xảy ra đối với giáo viên bậc THCS, THPT chưa được sự cho phép lãnh đạo đơn vị, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép DTHT nhưng vẫn tổ chức DTHT ở ngoài nhà trường, với nhiều hình thức biến tướng thuê địa điểm dạy tại các trung tâm, thậm chí tại các cơ sở giáo dục, như: Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ (Trường Đại học Hải Phòng), Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố…

Vì việc tổ chức DTHT ngoài trường nên các cơ quan chức năng và các lãnh đạo nhà trường cũng khó kiểm soát hết. Đó là chưa kể trong quá trình kiểm tra, đội ngũ nhân lực mỏng và các văn bản hướng dẫn kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm vẫn chưa phân định rõ ràng… nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Trong một cuộc hội thảo về DTHT trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường cho hay, việc học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh và trên cơ sở đề nghị của phụ huynh học sinh, các nhà trường, các thầy, cô giáo tổ chức DTHT theo quy định. Để tránh việc các trường học, giáo viên chạy theo thành tích, lợi nhuận nguồn thu từ DTHT mà vi phạm quy định, thậm chí còn "bật đèn xanh" cho giáo viên, Sở chỉ đạo Phòng GDĐT cấp quận, huyện, các nhà trường cần thường xuyên quán triệt cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về DTHT. Ngoài ra, để khắc phục và ngăn chặn tình trạng DTHT ngoài nhà trường không đúng quy định, một số đơn vị tiến hành bằng những giải pháp khác nhau như phối hợp chính quyền địa phương quản lý.

Thêm vào đó, bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành thì việc ban hành văn bản về quản lý DTHT cũng cần được điều chỉnh chặt chẽ theo hướng cụ thể, rõ trách nhiệm, và phụ huynh học sinh cần phản ánh khi nhà trường, giáo viên tổ chức DTHT không đúng quy định để ngành chức năng có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Được biết, trong những năm học trước Hải Phòng đã xử lý một số trường hợp vi phạm quy định về DTHT trên địa bàn thành phố như, năm học 2016-2017, Phòng GDĐT quận Hồng Bàng đã xử lý kỷ luật hai giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng vi phạm DTHT tại nhà, mỗi lớp học có hơn 20 học sinh.