Hải Phòng: Tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế công lập và đào tạo nghề trên địa bàn thành phố

Admin
Ngày 29/7, Đoàn công tác thành phố Hải Phòng do ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố đã thực địa kiểm tra cơ sở vật chất tại Bệnh viện Kiến An, tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Nhà điều trị bệnh nhân 7 tầng tại Bệnh viện Kiến An; Dự án đầu tư xây dựng trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng (giai đoạn 1); kiểm tra Bệnh viện Đa khoa huyện An Lão, đồng thời nghe báo cáo về Đề án Nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2028 và Đề án Đào tạo nghề trên địa bàn thành phố. Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng dự và chỉ đạo cuộc kiểm tra.

 Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Theo báo cáo tại cuộc kiểm tra, Dự án đầu tư xây dựng Nhà điều trị bệnh nhân 7 tầng tại Bệnh viện Kiến An được triển khai trên diện tích 1.013m2, gồm: Xây mới 01 nhà điều trị 7 tầng cùng mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị đồng bộ, phục vụ 202 giường bệnh và các khu chức năng. Tổng mức đầu tư trên 105,3 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thi công hoàn thiện phần cọc, móng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành thi công phần thô trước ngày 31/12/2023, bàn giao công trình đưa vào sử dụng dịp 13/5/2024.

Dự án đầu tư xây dựng trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng (giai đoạn 1) được thực hiện trên diện tích 7,4ha tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão. Bao gồm các hạng mục công trình đồng bộ đáp ứng các tiêu chuẩn của trường cao đẳng nghề chất lượng cao, quy mô tuyển sinh đào tạo khoảng 2.000 học sinh, sinh viên, học viên/năm. Trong đó có nhà Hiệu bộ; Khu giảng đường; nhà Khoa cơ bản, Khoa Công nghệ thông tin và Sư phạm; nhà Khoa Kinh tế; nhà Khoa Cơ khí; nhà Khoa Công nghệ ôtô; nhà Khoa Xây dựng; Ký túc xá và nhà ăn; Thư viện; hội trường. Tổng mức đầu tư hơn 375,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đến nay, công trình đã hoàn thành giải ngân gần 80% vốn kế hoạch đợt 1 năm 2023. Dự án được khởi công từ ngày 03/01/2023, phấn đấu khánh thành vào dịp 13/5/2024.

Bệnh viện Đa khoa huyện An Lão là bệnh viện hạng 2, với 250 giường bệnh kế hoạch và 325 giường bệnh thực kê. Bệnh viện có 6 phòng chức năng, 13 Khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 01 Cơ sở điều trị II Mỹ Đức. Hiện nay, nhiều dãy nhà do thời gian sử dụng đã nhiều năm không được cải tạo, sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, làm mất an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Cùng với đó, trang thiết bị phục vụ cho khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu, nhiều máy móc thiết bị đã quá cũ phải sửa chữa thường xuyên....

Thông tin về Đề án Nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2028, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành Y tế xây dựng dự thảo Đề án với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ; hệ thống y tế Hải Phòng đến năm 2030 hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân thành phố Hải Phòng và vùng Duyên hải Bắc bộ…

 Đoàn công tác thành phố Hải Phòng kiểm tra tại Dự án đầu tư xây dựng trường Cao đẳng Công nghiệp Hải Phòng.

Trước mắt, đến năm 2025, đạt 14 - 15 bác sỹ trên một vạn dân (tính cả công lập và ngoài công lập); 3 – 3,5 dược sỹ đại học trên một vạn dân (tính cả công lập và ngoài công lập); tốc độ tăng dân số hàng năm dưới 1%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sỹ hoạt động duy trì 90 - 100%. 100% bệnh viện tuyến thành phố, tuyến quận, huyện thực hiện được trên 60% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến (hiện tại là 55%). Ưu tiên nguồn lực để xây dựng mới, nâng cấp mở rộng một số hạng mục tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế các quận, huyện để đảm bảo diện tích giường bệnh, khoa phòng chức năng, công năng bệnh viện…

Sở Y tế đề xuất các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó có giải pháp đào tạo, trợ cấp thu hút nhân lực, bố trí nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị; đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, thuốc; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế…

Đối với dự thảo Đề án Đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2030, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Trên địa bàn thành phố có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (17 trường cao đẳng, 09 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN) và 25 cơ sở hoạt động GDNN (14 trung tâm GDNN - GDTX các quận, huyện và 11 doanh nghiệp). Danh mục khoảng hơn 100 ngành, nghề đào tạo tập trung vào nhóm nghề: Điện - Điện tử; Hàng Hải; Cơ khí; Đóng tàu; Công nghệ thông tin, Du lịch và dịch vụ. trong đó có 76 lượt nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Quy mô tuyển sinh được cấp/năm là khoảng 54.500 học sinh, sinh viên, học viên. Hệ thống các cơ sở GDNN từng bước chuyển đổi tập trung đào tạo theo hướng từ “cung” sang “cầu”, việc đào tạo nghề nghiệp đã bước đầu thực hiện gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo theo vị trí việc làm. Chất lượng đào tạo nghề từng bước được các doanh nghiệp ghi nhận, hàng năm cung cấp số lượng lớn lao động kỹ thuật cho thị trường lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh THCS, THPT vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ, bằng cấp từ 3 tháng trở lên của thành phố 45% vào năm 2030; phấn đấu trên địa bàn thành phố có 05 trường chất lượng cao, trong đó có 02 trường Cao đẳng thuộc thành phố Hải Phòng đạt trường chất lượng cao; có khoảng 80 lượt nghề trọng điểm, trong đó có các ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển...

 Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Kiến An.

Sau khi đi kiểm tra thực tế các Dự án và nghe đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị báo cáo, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng trong việc thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn thành phố. Chia sẻ với những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Đa khoa huyện An Lão, Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao sự chủ động của Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng các Đề án.

Đối với dự thảo Đề án Nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2028, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá đã cơ bản bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương và thành phố về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ, tuy nhiên cần điều chỉnh lại giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2030; trong đó, tập trung sâu vào việc khắc phục các hiện trạng hiện nay, nhưng cũng cần quan tâm thêm đến công tác phòng bệnh, đưa cả hệ thống vào cuộc, tiếp cận toàn diện về dinh dưỡng, thể dục, thể thao, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng; tăng cường hợp tác trong nước và ngoài nước...

Về dự thảo Đề cương Đề án đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2030, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá bước đầu hình thành để định hình khung, việc cần làm cho các công việc sau này; đã đánh giá tình hình thực trạng, có đề xuất giải pháp và cơ chế để thực hiện theo quy định hiện hành và có cơ chế riêng của thành phố...

Tuy nhiên, cần quan tâm xác định rõ ngành nghề, lĩnh vực đào tạo mà thành phố có nhu cầu; trình độ đào tạo mà thị trường việc làm mong muốn; số lượng lao động, theo độ tuổi, theo giới tính… từ nhu cầu của thị trường lao động thì mới xác định các trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm, các giải pháp phù hợp theo phân kỳ thời gian. Về quan điểm, mục tiêu, Đề án cần lựa chọn một số ngành nghề trọng điểm, cơ sở trọng điểm để đầu tư và phân kỳ từ nay đến 2025, từ 2025 đến 2030...

Tác giả: Vĩnh Bảo

Nguồn tin: Báo Xây dựng