Năm 2019 trên địa bàn TP Hải Phòng xảy ra 29 vụ TNGT có liên quan đến xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc, chiếm tỉ lệ 30,53% vụ TNGT. Năm 2022 xảy ra 24 vụ TNGT có liên quan đến những phương tiện này, chiếm tỉ lệ 37,5% vụ TNGT trên địa bàn thành phố.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT ĐB_ĐS) triển khai Kế hoạch Tổng kiểm soát phương tiện xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc. Ảnh Hải Yến |
Các vụ tai nạn liên quan đến loại phương tiện trên có nguyên nhân phần lớn là do người bị nạn đi vào “điểm mù” của xe. Loại phương tiện này có đặc điểm chiều dài, chiều rộng, chiều cao lớn nên có “điểm mù” của phương tiện ở những vị trí: đằng sau xe, phía trước xe và hai bên cạnh xe; đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận lái xe còn hạn chế.
Đội CSGT số 3 tổng kiểm soát phương tiện xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc. Ảnh Hải Yến |
Nhằm chủ động phòng ngừa ùn tắc, tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của đội ngũ lái xe, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT ĐB_ĐS) đã tham mưu cho Giám đốc Công an TP Hải Phòng xây dựng Kế hoạch Tổng kiểm soát phương tiện xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc.
Theo đó, từ ngày 15/3/2023 đến hết ngày 14/5/2023, Công an TP đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với loại phương tiện xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn. Trong đó tập trung vào các nhóm hành vi:
Vi phạm về quy định phương tiện khi tham gia giao thông: không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường; thiết bị an toàn của phương tiện (còi, đèn, hệ thống chuyển hướng, hệ thống hãm…) không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; không có giấy đăng ký…
Lực lượng CSGT chỉ ra các lỗi tài xế cần khắc phục. Ảnh Hải Yến |
Vi phạm về điều kiện người điều khiển phương tiện: không có giấy phép lái xe hạng FC, không mang theo đăng ký, giấy phép, giấy chứng nhận kiểm định…
Vi phạm quy định về vận tải đường bộ: Chở hàng vượt quá tải trọng; chở hàng vượt quá chiều cao, bề rộng; không có phù hiệu theo quy định…
Vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ: quá tốc độ, đỗ, dừng sai quy định, không chấp hành biển báo hiệu đường bộ, điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn và chất kích thích khác…
Sau hơn 01 tháng thực hiện (từ 15/3/2023 đến 19/4/2023), Phòng CSGT ĐB-ĐS đã lập biên bản xử lý 659 trường hợp xe ôtô đầu kéo vi phạm TTATGT với số tiền phạt là 440.800.000đ.
Trong đó, quá tải (10 trường hợp); Dừng đỗ sai quy định (228 trường hợp); Đi vào đường cấm (7 trường hợp); Thiết bị an toàn (đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu,…) không đảm bảo (166 trường hợp); Chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi (3 trường hợp); Vi phạm về giấy phép lái xe (4 trường hợp); Lỗi khác (250 trường hợp).
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy phép xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc. Ảnh Hải Yến |
Ngoài việc kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường, lực lượng CSGT còn đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để tuyên truyền cho đội ngũ lái xe và chủ doanh nghiệp biết về Kế hoạch tổng kiểm soát, chấp hành, hỗ trợ lực lượng Công an trong việc kiểm soát, đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức cho đội ngũ lái xe.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm soát phương tiện xe ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc, xử lý nghiêm nếu có vi phạm nhằm duy trì hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tác giả: Hải Yến
Nguồn tin: kinhtedothi.vn