Theo nhận định của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Tình trạng người dân tập trung dài ngày ở các cơ quan Trung ương hoặc đến khu vực nhà riêng của các vị lãnh đạo khiếu kiện gây áp lực, yêu cầu giải quyết, gây mất trật tự công cộng, có hành vi chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật là đáng lo ngại.
Đặc biệt gần đây, xảy ra nhiều vụ việc tụ tập đông người ở một số địa phương khiến tình hình an ninh, trật tự xã hội bị ảnh hưởng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên có thể tập trung ở mấy điểm: Thứ nhất là công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, sơ hở và yếu kém, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm và tiêu cực trong xã hội còn nhiều.
Thứ hai là việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế. Nhiều công chức chưa thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết đơn thư. Còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, thậm chí thiếu khách quan, công bằng trong việc giải quyết các vụ việc. Một số cấp, một số ngành hữu quan còn lơ là, đối phó trong công tác tiếp dân. Nhiều lãnh đạo cơ sở chưa gần dân, sát dân. Còn ngại va chạm với nhân dân, thậm chí không muốn ngồi đối thoại với dân. Có cả tâm lý trốn tránh, thậm chí đối đầu với dân.
Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. |
Vấn đề thứ ba là hệ thống pháp luật của còn rất nhiều bất cập, mâu thuẫn và xa thực tế. Có những quy định rất khác nhau ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhiều quy định không công bằng, thiếu hợp lý. Một nguyên nhân nữa là nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến chính sách qua nhiều thời kỳ.
Cuối cùng là kiến thức pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Có những trường hợp, người dân còn tâm lý chây ì, đòi hỏi quá cao so với thực tế. Cũng có trường hợp bị lợi dụng, bị thế lực xấu xúi giục…
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tất cả những nguyên nhân trên đã tạo ra bức tranh đáng lo ngại về tình trạng khiếu nại, tố cáo ở nước ta trong thời gian qua.
Để giải quyết căn cơ tình trạng trên, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh việc xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng công khai, minh bạch, thực sự tôn trọng người dân và sửa đổi Luật đất đai cũng là một trong những vấn đề được Quốc hội quan tâm trong thời gian tới để có được một đạo luật đáp ứng được yêu cầu của người dân cũng như phát triển kinh tế- xã hội.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh vấn đề tiếp dân và đối thoại với dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo) |
Từng đứng đầu cấp ủy ở một đơn vị huyện tại Thủ đô (Bí thư huyện ủy Phúc Thọ- Hà Nội), ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ kinh nghiệm "Việc quản lý nhà nước hiệu quả trên địa bàn và thực hiện nghiêm dân chủ cơ sở có ý nghĩa quan trọng. Điều đó đòi hỏi cán bộ phải thực sự gần dân, sát dân và tôn trọng dân"
Việc tiếp công dân phải được duy trì thường xuyên. Cán bộ tiếp công dân phải tiếp cho đúng nghĩa chứ không phải đối phó, tiếp để cho có, hứa với dân cho xong chuyện.
“Ở đây, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc điều 18 trong Luật tiếp công dân. Mỗi tháng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải dành thời gian để tiếp công dân. Trong đó, phải tìm ra vấn đề nào cần giải quyết trước, giải quyết ngay, vấn đề nào giải quyết sau chứ không đơn thuần là nhận đơn và chuyển đơn. Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân để đảm bảo tiến độ, khách quan và công bằng. Nên chọn cán bộ có trình độ, năng lực để tham gia giải quyết đơn thư của công dân. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm cán bộ giải quyết đơn thư không khách quan, không công bằng. Mặt khác, cũng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật mạnh mẽ hơn nữa đối với người dân để họ sống và làm việc theo pháp luật. Trong các giải pháp trên, tôi đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đối thoại với dân”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Từng nhiều lần đối thoại với dân, ông Hiểu cho rằng, tốt nhất là lãnh đạo chủ động. Chủ động là khi chưa có căng thẳng xảy ra. Đối thoại để cán bộ nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân. Lắng nghe nhân dân và giải thích cho nhân dân hiểu. Từ đó, người lãnh đạo sẽ thấy, vấn đề nào cần giải quyết và giải quyết bằng cách nào, sớm ngăn ngừa được phức tạp và điểm nóng có thể xảy ra.
Đối thoại cũng giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về sự sâu sát, trách nhiệm của người lãnh đạo với dân, nhận rõ được bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong chính quyền và trong dân. Đây là diễn đàn để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, thể hiện được tinh thần trọng dân, vì dân.
Theo ông Hiểu, có những vấn đề, người dân chỉ cần gặp được lãnh đạo để nói ra những bức xúc. Nếu mình kịp thời giải tỏa thì sẽ hạn chế những bức xúc. Điều này tốt hơn nhiều khi lãnh phải đối thoại thụ động với dân, tức là khi "điểm nóng" đã xảy ra./.
Tác giả: Đàm Hoa
Nguồn tin: Báo VOV