Uống nước trước khi ngủ có ngừa đột quỵ?

Lan Anh
Không ít ý kiến cho rằng, uống một cốc nước trước khi đi ngủ sẽ tránh cô đặc máu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ, điều này có đúng?

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, chưa có nhiều thông tin khoa học rõ ràng chứng minh uống nước trước khi đi ngủ tránh cô đặc máu, giúp giảm và phòng tránh nguy cơ đột quỵ.

Tuy nhiên, nước rất cần thiết với cơ thể, cung cấp nguồn khoáng chất, vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động.

Cơ thể con người bị mất nước, máu sẽ cô đặc hơn, tổng khối lượng máu trong cơ thể giảm xuống, nguy cơ đột quỵ cũng cao hơn. Nếu không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng việc cung cấp máu tới bộ phận quan trọng nhất là tim, từ đó có thể xuất hiện các cơn đau cơ.

Thực tế, đột quỵ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm bệnh lý, lối sống không lành mạnh, tuổi tác, tiền sử gia đình.

Bạn không nên nghĩ rằng chỉ cần uống nước trước khi ngủ có thể ngừa đột quỵ mà quên bảo vệ sức khỏe, tầm soát cùng lối sống lành mạnh.

Mỗi người nên bổ sung đủ 2-3 lít nước mỗi ngày, trong đó trước khi đi ngủ 30 phút đến 60 phút nên uống 150-200 ml, sau khi ngủ dậy bạn cũng nên uống một cốc nước ấm.

Lợi ích ngăn ngừa đột quỵ không quá rõ ràng, nhưng bổ sung nước có thể mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Trong đó nước ấm vào cơ thể sẽ giúp màu dễ dàng lưu thông, cải thiện tâm trạng, giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

uong-nuoc-1705723275.jpg

Nhiều người cho rằng, uống một cốc nước trước khi đi ngủ sẽ tránh cô đặc máu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ. (Ảnh minh hoạ)

Lợi ích nước mang lại cho cơ thể

Theo các chuyên gia, khi cơ thể đủ nước, mọi hoạt động sống sẽ được đảm bảo. Con người lại có thể sinh hoạt khoẻ mạnh như được tiếp thêm năng lượng.

Nước có chức năng bảo vệ tủy sống, mô và khớp, giúp duy trì độ ẩm trong các mô và hoạt động như một nhân tố bôi trơn cho các khớp.

Nước còn hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Nhờ có nước nên miệng bạn lúc nào cũng ẩm ướt. Nước bọt được tiết ra chứa các enzyme tham gia vào quá trình phân hóa thức ăn, giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn khi xuống dạ dày.


Nếu uống nước đầy đủ, hệ bài tiết của bạn sẽ hoạt động trơn tru, chất thải được bài tiết thông qua các con đường như tuyến mồ hôi, tiểu tiện và đại tiện. Trong đó các cơ quan như gan, thận và ruột sẽ tận dụng nước để bài tiết chất thải. Ngoài ra nước còn giúp tránh hiện tượng táo bón.


Đối với mẹ bầu, nước rất cần thiết bởi nếu có đủ nước sẽ hạn chế nguy cơ bị táo bón thai kỳ và đủ sữa cho con bú sau sinh.

Nước còn đem lại hiệu quả trong những trường hợp cần cải thiện vóc dáng. Khi bạn uống nước sẽ có cảm giác no lâu, nhất là khi áp dụng điều này trước bữa ăn sẽ giúp bạn hạn chế lượng thức ăn bạn cần nạp vào cơ thể, từ đó tránh được tình trạng tăng cân.

Nước giúp điều hòa nhiệt độ cho cơ thể, thúc đẩy hoạt động trao đổi chất, từ đó tăng cường được khả năng hấp thu các dưỡng chất thiết yếu.

Nước cũng giảm tỷ lệ hình thành sỏi thận vì nước sẽ giúp thể tích nước tiểu qua thận gia tăng, từ đó làm loãng hàm lượng muối khoáng tại đây khiến chúng ít có cơ hội kết tụ thành sỏi thận.


Nước có khả năng củng cố hệ miễn dịch, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Điển hình như khi bạn gặp một số vấn đề ở thận, khi uống nước sẽ giúp loại bỏ các chất độc tích tụ tại các cơ quan này.

Ngoài ra nếu bạn đang bị xoang, ho, sổ mũi bạn cũng nên uống nhiều nước để loại bỏ bớt các vi khuẩn, dịch đờm khiến bạn khó chịu.