Sinh viên trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Bà Giang cho biết, hiện đang có 9 trường ĐH trực thuộc Bộ Công Thương, 2 trường thuộc tổng công ty là ĐH Dệt may, ĐH Dầu khí, 25 trường CĐ trực thuộc và 11 trường CĐ, trung cấp trực thuộc tổng công ty. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã có 6/11 trường ĐH tự chủ.
Khi thành lập Hội đồng trường, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vai trò của Hội đồng trường gồm những gì? “Trả lời câu hỏi này, sẽ thấy có một số mâu thuẫn đối với các quy định hiện tại.
Đặc biệt, các trường rất thắc mắc mối quan hệ, cũng như cơ chế phối hợp khi ra quyết định của Hội đồng trường liên quan đến Đảng ủy, Ban giám hiệu. Khi thành lập Hội đồng trường đầu tiên, Bộ Công Thương đã có xây dựng quy chế, điều này vướng mắc rất nhiều” - bà Giang nói.
Cũng theo bà Giang có nhiều quy định liên quan đến Hội đồng trường nhưng lại được thực hiện ở quy chế khác nhau. Ví dụ công tác bổ nhiệm, hiện đang thực hiện theo quy trình 5 bước, nhưng trong quy định thì Hội đồng trường được giới thiệu bổ nhiệm hiệu trưởng. Vậy họ sẽ thực hiện ở những bước nào trong 5 bước quy định?
Vấn đề nữa mà bà Giang quan tâm là việc thành lập Hội đồng trường, trong 6 trường được tự chủ của Bộ Công Thương mới chỉ có 1 trường được thành lập. Các trường khác còn đang xem xét, đề xuất ai làm chủ tịch. Đây là vấn đề rất khó khăn. Theo quy định, chủ tịch Hội đồng trường không được là hiệu trưởng, hiệu phó. Mời người bên ngoài thì phải là công chức, viên chức, còn doanh nghiệp là không được.
“Đối với Bộ Công Thương, nếu bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng trường là thứ trưởng thì cũng vướng rất nhiều quy định. Tiêu chuẩn của chủ tịch Hội đồng trường như hiệu trưởng. Trong Bộ Công Thương may ra có một đồng chí đủ điều kiện làm chủ tịch Hội đồng trường” – Bà Giang nói.
Chính vì vậy, bà Giang cho rằng cần nghiên cứu xem các quy định hiện hành để tháo gỡ cho các trường khi thực hiện tự chủ.
Liên quan đến Hội đồng trường, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội kiến nghị việc sửa đổi bổ sung Luật giáo dục ĐH sắp tới cần quy định rõ các cấp độ tự chủ, vai trò, trách nhiệm của Bộ chủ quản và Hội đồng trường.
“Quy định hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện quyền sở hữu đồng thời đại diện quyền lợi của các bên liên quan của cơ sở giáo dục ĐH. Chỉ nên quy định các thành phần đương nhiên của Hội đồng trường, các thành phần khác được bầu” – ông Sơn nhấn mạnh.
Cần sửa những nội dung phi thực tế
Tại hội nghị, nhiều vấn đề khác liên quan đến giáo dục ĐH được các đại biểu đưa ra như vấn đề tự chủ. Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Bộ Công Thương, thực tế hiện nay đang có sự vênh nhau giữa tự chủ và Luật đầu tư. Chính vì vậy, dù được tự chủ nhưng hàng năm các trường vẫn phải gửi văn bản lên Bộ để phê duyệt các dự án đầu tư cho an toàn.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết trong Luật giáo dục ĐH hiện hành không có quy định cho các trường Việt Nam được đầu tư ra nước ngoài. Chính vì vậy, dù đã có đơn vị nước ngoài muốn hợp tác nhưng không có cơ sở pháp lý.
Còn đại diện trường ĐH Cần Thơ thì cho rằng điều 38 và 35 của Luật giáo dục ĐH có quy định đào tạo ĐH từ 4-6 năm. “Tôi đề nghị giữ nguyên. Vì trong thời gian vừa qua có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh. Với ngành y tế đào tạo từ 3-5 năm thì không có sự tương thích với bất kỳ quốc gia nào đang đào tạo y khoa trên thế giới” – vị đại diện này chia sẻ.
Vị này cũng cho biết, với quy định ĐH nghiên cứu phải có ít nhất 30% học viên đang đào tạo là thạc sĩ và tiến sĩ, có thể 10 năm nữa cũng không có ĐH nghiên cứu ở Việt Nam. “Trường chúng tôi hay hai trường ĐH Quốc gia đào tạo tối đa là 8.000 chỉ tiêu, trong số này phải có ít nhất 2400 học viên đang đào tạo là thạc sĩ và tiến sĩ thì không bao giờ thực hiện được.
Rồi quy định với ngành y, bác sĩ phải dành trên 50% thời gian cho nghiên cứu. Bác sĩ vừa giảng dạy, vừa khám bệnh thì tôi nghĩ chỉ 10% cho nghiên cứu chưa chắc đã thực hiện được” – vị đại diện của ĐH Cần Thơ chỉ ra những bất cập trong luật Giáo dục ĐH hiện hành. Không những thế, Luật cũng quy định trường phải có trên 20% kinh phí chi cho hoạt động khoa học công nghệ là khó khả thi vì trong tình hình hiện nay, không trường nào dám chi như này.
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, trong quá trình thực hiện tự chủ có nhiều vấn đề khúc mắc như Hội đồng trường. Thành phần Hội đồng trường đang gây nhiều bàn cãi và thấy khó có thể quy định cứng. “Tìm được chủ tịch Hội đồng trường có điều kiện tương đương hiệu trưởng không dễ.
Ngay cả trong Bộ GD&ĐT cũng ít người có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Nhưng nếu đưa vai vế không phù hợp thì Hội đồng trường không còn ý nghĩa” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói. Ông cũng cho biết Luật Giáo dục ĐH sửa đổi sắp tới phải kiên quyết lập Hội đồng trường và phải là tổ chức quyền lực thực sự để thực hiện tự chủ.
|