|
Thực ra thì sống yên bình hay ồn ã lâu cũng thành một thói quen. Giống như việc chúng tôi đã quá quen với việc vợ chồng họ dăm bữa mươi ngày lại cãi nhau lôi đình một trận. Mà lý do thì có đáng gì đâu. Đôi khi là do anh chồng đi nhậu về khuya, vợ gọi năm bảy cuộc không chịu nhấc máy. Là khi cô vợ bị hỏng xe giữa đường được anh bạn đồng nghiệp chở về tận ngõ khiến anh chồng ghen tuông. Đôi khi chuyện nhỏ nhặt hơn như cô vợ vừa phơi đồ xong quay vào nhà đã thấy vài đôi tất bẩn trong chậu. Từ chuyện nhỏ đến chuyện to, từ chuyện trong nhà đến chuyện ai đó cũng khiến họ nổi nóng với nhau.
Tôi nhớ, có lần vui chuyện cô vợ kể tôi nghe chuyện hồi họ yêu nhau. Tình yêu trong lời kể của cô cũng ngọt ngào và bi ai lắm. Nhà anh thì nghèo, nhà chị thì khá hơn một chút. Bố chị sợ con gái khổ nhất định không cho chị quen anh. Ông nói bố anh nát rượu, suốt ngày đánh vợ chửi con, sợ anh có gien di truyền vũ phu bệ rạc.
Anh vì yêu chị đã đến nhà quỳ xuống để van xin, nói anh không chắc đem lại sự giàu có nhưng đem lại hạnh phúc cho chị thì anh tự tin làm được. Cha mẹ vì thương con nên dễ yếu mềm. Vả lại thấy thằng con trai dám quỳ trước mặt mình vì yêu con gái mình thì cũng có phần tin tưởng thật lòng thật dạ. Cuộc sống sau kết hôn tuy có chút chật vật thiếu thốn nhưng cũng khá ấm êm. Cho đến khi cả hai bắt đầu khó chịu vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày.
Vợ chồng, có ai chưa từng mâu thuẫn cãi vã đâu. Ông bà ta nói “bát đũa còn xô nhau” nữa mà. Chỉ có điều, nhiều lúc chỉ vì vài câu nói hớ hênh khi nóng giận cũng có thể hủy diệt những tình cảm tốt đẹp đã được gây dựng bấy lâu. Lời nói không là kiếm là đao nhưng như có lưỡi sắc bén cứa vào lòng nhau đau đớn. Nhất là khi người giận quá mất khôn, nói ra những lời xúc phạm khiến đối phương tổn thương, tự ái.
Ở quê, cạnh nhà tôi có vợ chồng ông giáo già. Ông là thấy giáo dạy toán rất nghiêm khắc với học trò, học sinh gọi ông là “thầy Hít-le”. Thế nhưng ở trường ông nghiêm khắc với học trò bao nhiêu thì ở nhà ông ít lời và dễ tính bấy nhiêu. Đến nỗi trong làng, ai cũng nói ông sợ vợ. Thì có gì đâu, vợ ông cũng như nhiều bà vợ khác, hay càu nhàu, hay than phiền. Mỗi lúc vợ khó chịu nổi nóng điều gì, ông thường đi qua nhà hàng xóm ung dung ngồi uống nước “lánh nạn”.
Có lần tôi hỏi đùa ông “Thầy sợ vợ thật hả”. Ông cười khục khặc: “Con ạ, vợ chồng, nể nhau, tôn trọng nhau mà sống chứ có ai sợ ai”. Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện: Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử của mình “tại sao khi giận dữ người ta lại thường hét to vào mặt nhau?”. Sau khi nghe mỗi người trả lời mỗi ý, vị hiền triết nói: “Tại sao người ta phải hét lên trong khi họ đang đứng gần nhau? Là vì khi giận nhau thì trái tim họ không ở gần nhau nữa. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách trái tim càng xa. Và họ nói to để tiếng nói bao trùm khoảng cách ấy. Còn khi hai người yêu nhau, họ chỉ nói nhỏ nhẹ, bởi vì trái tim của họ gần nhau. Khi người ta yêu nhau thiết tha, khoảng cách gần đến nỗi nghe được nhịp đập của tim nhau, lời nói họ dành cho nhau thì thầm thật nhỏ. Và khi người ta yêu nhau nhất ấy là khi không cần dùng lời nói nữa mà chỉ cần một ánh mắt, một cái nhíu mày cũng hiểu ý tứ của nhau”.
Tôi thực sự không thấm thía câu chuyện ấy cho đến khi tôi lập gia đình. Vợ chồng tôi tuy yêu nhau nhiều, tuy cho rằng mình rất hiểu đối phương những cũng không tránh khỏi những lần cãi vã. Tôi cũng giống tất thảy những người đàn bà khác, những khi mệt mỏi dễ sinh lắm lời cáu bẳn. Đôi khi vì nóng giận mà thốt ra đôi câu nặng nề, để khi nỗi tức giận qua đi lại thấy mình có lỗi vì đã quá lời với người mình đã yêu thương nhường ấy.
Sau này, khi có con, mỗi lúc bực bội với chồng tôi thường chọn cách im lặng. Cũng như anh đã luôn kìm chế mỗi lúc tôi nói lời quá đáng. Một là vì tôi không muốn con mình chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã nhau. Hai là tôi nghĩ mình cần một chút thời gian để bình tĩnh lại. Tôi không muốn cứ mỗi lần khi nỗi bất hòa qua đi lại phải nói xin lỗi. Nói lời xin lỗi không khó, chỉ là tôi sợ những lời không hay mình nói khiến chồng tôi tổn thương. Chỉ cần thấy tôi im lặng không nói năng là chồng biết tôi đang giận, rồi anh sẽ hỏi han, nếu tôi hiểu sai thì giải thích hoặc mắng tôi vài câu để tôi biết là tôi sai rồi. Mỗi lần nhẫn nhịn là mỗi lần hiểu nhau hơn một chút, thương nhau hơn một chút. Càng thương sẽ càng dễ bao dung cho nhau hơn.
Có người nói với tôi “một khi đã nổi điên lên thì còn kìm chế làm sao được”. Đấy, mỗi người hơn thua nhau là ở chỗ đấy, là biết làm chủ cảm xúc của mình. Khi ta chế ngự được lời nói thì ta là chủ của nó, còn khi ta không kìm chế được thì ta trở thành nô lệ của lời nói, rồi cứ thế hết lần này lượt khác giày vò làm tổn thương đối phương.
Kinh nghiệm sau vài lần cãi vã với chồng, tôi nhận ra đấu khẩu chưa bao giờ là cách để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí còn khiến mâu thuẫn nặng nề hơn. Chỉ có tôn trọng nhau, lắng nghe nhau mới là cách tốt nhất để hóa giải những bất đồng. Vậy nên dù giận nhau tới đâu cũng hãy tránh làm tổn thương nhau ngay cả là bằng lời nói. Bởi lời nói cũng như tên đã bắn, như thời gian đã qua, một khi đã thốt ra rồi không thể nào lấy lại được.