Không kiểm tra hơn 13.000 tàu nhưng Trung tâm Kiểm dịch ở Hải Phòng vẫn thu phí

Admin
Không kiểm dịch tàu xuất, nhập cảnh tại vùng kiểm dịch, không kiểm tra 13.460 lượt tàu nhưng Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Hải Phòng vẫn thu phí của khách hàng.

Chiều 14/9, trả lời PV VTC News, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, đoàn thanh tra của Sở này đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế (Trung tâm) trực thuộc Sở Y tế Hải Phòng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết thêm, do phải tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên đến nay đoàn vẫn chưa hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra nên chưa có thông tin cụ thể cung cấp cho phóng viên.

 Trụ sở Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng.

Không kiểm tra tàu nhưng vẫn thu phí

Trước đó, Sở Y tế nhận được công văn của Công an TP Hải Phòng đề nghị thanh tra, kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác kiểm dịch y tế đối với các tàu xuất, nhập cảnh vào Hải Phòng.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hải Phòng xác minh, thu thập tài liệu về một số dấu hiệu vi phạm trong công tác kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền nhập, xuất cảnh tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng thuộc Sở Y tế TP Hải Phòng.

Kết quả xác minh cho thấy, từ 1/1/2017 đến trước 12/2/2020, Trung tâm không thực hiện việc kiểm dịch cho tàu thuyền nhập, xuất cảnh tại vùng kiểm dịch mà thực hiện tại cầu cảng nơi tàu thuyền neo đậu.

Việc làm trên của Trung tâm vi phạm mục 2 điều 3 Thông tư 31-2010/TT-BGTVT ngày 1/10/2010 của Bộ Giao thông Vận tải công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận TP Hải Phòng và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng.

Đồng thời, từ 1/1/2017 - 30/6/2020, Trung tâm tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, giám sát và thu phí cho 29.606 lượt tàu nhập, xuất cảnh gồm 13.660 lượt tàu nhập, 13.946 lượt tàu xuất cảnh, cấp giấy miễn xử lý vệ sinh tàu thủy cho 383 tàu.

Thực tế, Khoa Kiểm dịch y tế của Trung tâm chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với 16.146 lượt tàu (gồm các tàu nhập cảnh chuyển cảng và tàu nội địa xuất cảnh), còn lại 13.460 lượt tàu xuất cảnh, nhập cảnh không phân công cán bộ kiểm tra giám sát thực tế nhưng vẫn thu phí.

Ngoài ra, hồ sơ tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thể hiện, từ 1/1/2017 đến 30/6/2020, Cảng vụ tiếp nhận thông tin, hồ sơ cho 29.879 lượt tàu nhập, xuất cảnh (gồm 15.732 lượt tàu nhập cảnh, 14.147 lượt tàu xuất cảnh). Qua kiểm tra đối chiếu hồ sơ do Cảng vụ cung cấp và sổ theo dõi tàu thuyền nhập, xuất cảnh của Trung tâm xác định chênh lệch 273 lượt tàu (72 lượt tàu nhập, 201 lượt tàu xuất cảnh).

 Nhân viên kiểm dịch y tế làm việc với quản lý tàu trước khi tàu nhập cảnh vào Hải Phòng

Lãnh đạo Trung tâm và Khoa Kiểm dịch y tế thừa nhận, việc kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền nhập, xuất cảnh tại cầu cảng nơi tàu thuyền neo đậu trước ngày 12/2/2020 là vi phạm mục 2 điều 3 thông tư 31-2010/TT-BGTVT ngày 1/10/2010 của Bộ Giao thông vận tải.

Lãnh đạo Trung tâm này cũng xác nhận việc không phân công cán bộ kiểm tra giám sát đối với 13.460 lượt tàu xuất cảnh, nhập cảnh nhưng vẫn tổ chức thu phí của khách hàng.

“Từ những sai phạm nêu trên, để giải quyết dứt điểm vi phạm và tìm rõ việc chênh lệch lượt tàu thuyền nhập, xuất cảnh giữa Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng với Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng, Công an TP Hải Phòng đề nghị Sở Y Tế TP Hải Phòng thanh tra, kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân vi phạm. Nếu có dấu hiệu hình sự chuyển cho Công an TP Hải Phòng để điều tra xử lý theo thẩm quyền”, công văn của Công an TP Hải Phòng ghi rõ.

Trước đó, theo phản ánh của bạn đọc Báo điện tử VTC News, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng có chức năng kiểm dịch y tế đối với người và tàu biển khi xuất, nhập cảnh vào khu vực cảng biển Hải Phòng.

Ngày 9/8/2013, Trung tâm có Công văn số 145/KDYT đề xuất tăng giá phí kiểm dịch y tế biên giới và kèm theo phương án xây dựng mức thu phí kiểm dịch y tế biên giới lên Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.

Vì thế, theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, ngày 15/1/2014, Bộ Tài chính ra Thông tư số 08/2014/TT-BTC và kèm theo biểu mẫu mức thu phí đã được tăng. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2014 đến cuối năm 2019, Trung tâm không thực hiện việc thuê tàu và nhân công như đã giải trình để ra phao số 0 kiểm dịch theo quy định.

Ngày 12/2/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát thì Trung tâm mới đi nhờ cano của Công ty Hoa tiêu ra phao số 0 để làm công tác kiểm dịch y tế đối với tàu nhập cảnh.

Một cán bộ Trung tâm (đã nghỉ hưu) cho biết, khu vực kiểm dịch ở Hải Phòng được quy định ở gần phao số 0, cách đảo Cát Bà về phía Nam khoảng 2 hải lý. Đây là khu vực kiểm dịch chung của thành phố. Tất cả các tàu ra vào khu vực Hải Phòng đều phải dừng ở đây để kiểm dịch viên lên kiểm tra.

“Nguyên tắc bắt buộc của khu kiểm dịch là phải ở ngoài thành phố, là khu vực an toàn nhất, tức là ở khu vực gần phao số 0, là nơi tất cả các tàu quốc tế về phải dừng lại ở đấy.

Ông kiểm dịch phải lên trước, sau đó đến ông hoa tiêu rồi mới đến biên phòng, hải quan và cảng vụ để đưa vào đây làm các nhiệm vụ khác. Không có lý gì mà tàu vào cảng rồi, thậm chí công nhân cảng lên làm hàng, đại lý lên làm thủ tục rồi thì cán bộ mới kiểm dịch, như vậy còn gọi gì là kiểm dịch nữa”, vị cán bộ nói.

Vị cán bộ này cho biết thêm, sau khi kiểm tra, giám sát và xử lý kiểm dịch xong, nếu thấy an toàn rồi, cán bộ kiểm dịch mới cấp giấy ‘thông hành’ để cho tàu được tiếp tục vào cảng làm hàng.

Từ năm 2014 - 2019, Trung tâm đã không thực hiện việc kiểm dịch y tế khi các tàu vào khu vực kiểm dịch nêu trên, đồng nghĩa với việc đơn vị này không phải thuê cano bay hay chi phí khác cho việc kiểm dịch trên tàu tại khu vực này mà chỉ đến khi tàu cập các cảng biển ở Hải Phòng, các kiểm dịch viên mới lên làm việc.

Do đó, phí kiểm dịch thì thu tăng nhưng không phát sinh chi phí như giải trình trước đó, dẫn đến Trung tâm có "lãi" và kết dư ngân sách đến nay khoảng trên 30 tỷ đồng mà chưa biết chi vào đâu.

Trong khi đó, đại diện một đại lý tàu biển tại Hải Phòng cho biết, từ nhiều năm nay, mỗi tháng đơn vị có khoảng 15 tàu quốc tế về cập cảng tại Việt Nam, trong đó, có khoảng 6-7 tàu cập cảng khu vực Hải Phòng.

Tuy nhiên, khi các tàu này cập cầu cảng rồi, kiểm dịch viên Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng mới lên làm công tác kiểm dịch chứ họ không chạy cano bay ra khu vực kiểm dịch ở gần phao số 0 để kiểm dịch.

Ngay sau khi nhận được phản ánh cũng như tài liệu, chứng cứ ban đầu do bạn đọc cung cấp, PV VTC News đã vào cuộc xác minh, đồng thời cung cấp cho cơ quan chức năng để vào cuộc điều tra làm rõ, bước đầu đã có những kết quả nêu trên.

 Trung tâm không thực hiện việc kiểm dịch cho tàu thuyền nhập, xuất cảnh tại vùng kiểm dịch mà thực hiện tại cầu cảng nơi tàu thuyền neo đậu là vi phạm mục 2 điều 3 Thông tư 31-2010/TT-BGTVT ngày 1/10/2010 của Bộ Giao thông vận tải. (Ảnh minh họa)

Giám đốc Trung tâm nói gì?

Trả lời PV VTC News trước đó, ông Nguyễn Minh Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng cho biết, Trung tâm thực hiện chức năng nhiệm vụ kiểm dịch trong vùng nước cảng biển Hải Phòng, phao số 0 chỉ là một vị trí kiểm dịch trong nhiều vị trí tàu neo đậu để thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh, loại bệnh, phương tiện..., Trung tâm phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng bố trí tàu bảo đảm an toàn để cơ quan kiểm dịch thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Không có quy định nào bắt buộc cơ quan kiểm dịch phải thực hiện tất cả các tàu tại phao số 0. Từ 2014 đến nay, Trung tâm chưa thực hiện kiểm dịch tàu nào tại phao số 0.

Về thu phí theo Thông tư 08, nay là Thông tư 240 của Bộ Tài chính, Trung tâm thực hiện thu đúng theo quy định, căn cứ tàu nhập, xuất cảnh, đơn vị cung cấp dịch vụ và thu phí (trong quy định thu không nêu vị trí tàu neo đậu thực hiện công tác kiểm dịch).

“Trong quá trình thu từ 2014 đến nay, chưa có chủ tàu, thuyền trưởng, đại lý phàn nàn, kiến nghị về mức thu của đơn vị. Trung tâm là một đơn vị tự chủ tài chính, tăng thu và tiết kiệm chi để bảo đảm hoạt động của đơn vị.

Kết dư trong quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị là do trong mấy năm gần đây Cảng Hải Phòng phát triển vượt bậc. Tàu ra vào cảng nhiều làm tăng nguồn thu của đơn vị chứ không phải do cắt giảm chi phí, tất nhiên cắt giảm được chi phí là rất tốt đối với đơn vị”, ông Thanh khẳng định.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, Trung tâm nhiều lần đề nghị thành phố cho phép mua phương tiện phục vụ công tác nhưng chưa được chấp thuận, các cơ quan, đơn vị ủng hộ cho đi nhờ, cho mượn như biên phòng, cảng vụ, hoa tiêu... Số tiền hơn 30 tỷ của đơn vị đang giữ là tiền của Nhà nước, đang nằm trong Kho bạc nhà nước Hải Phòng.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Tác giả: MINH KHANG

Nguồn tin: Báo VTC