Là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương mà còn là nơi thăm quan vãn cảnh tìm cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống sôi động thường nhật...
2018 là năm đầu tiên Lễ hội Bạch Đằng Giang diễn ra với quy mô cấp thành phố, nằm trong chương trình lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Lễ hội bắt đầu từ ngày 23/4 (tức ngày 8/3 âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc: lễ dâng hương, lễ tế trời đất, đêm hội hoa đăng, múa lân, giải đua thuyền Rồng Hải Phòng mở rộng trên sông Bạch Đằng... nhằm kỉ niệm chẵn 1.080 năm chiến thắng của Ngô Vương Quyền, 1.037 năm chiến thắng của Lê Đại Hành và cũng chẵn 730 năm chiến thắng của nhà Trần, tưởng nhớ 1013 năm ngày Húy nhật của Đức vua Lê Đại Hành (1005-2018).
Nơi giao thoa văn hóa – văn minh
“3 không” là ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân tới Khu di tích Bạch Đằng Giang (tại xã Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Không thu phí dịch vụ - Không rác thải - Không hàng quán kính doanh thương mại. Ở đây có rất nhiều cái không nhưng không hề làm du khách khó chịu, phàn nàn.
Đã từng đi thăm quan rất nhiều nơi nhưng khi đặt chân đến nơi đây, ông Đặng Văn Minh (Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng) lại có những cảm xúc vô cùng khác biệt. Ông chia sẻ: “Khu du lịch tâm linh thắng cảnh Tràng Kênh rất đẹp và hùng vĩ. Tôi ấn tượng bởi môi trường sạch sẽ, không có rác, không có hàng quán hỗn độn và đặc biệt không thu phí gửi xe, phí vệ sinh. Ít khu di tích nào mà có được 3 tiêu chí như thế”. Điều làm ông Minh tâm đắc như vậy bởi mỗi hàng cây, mỗi công trình kiến trúc nơi đây đều chứa đựng sự tâm huyết, tỉ mỉ của những người có tâm đã đứng ra xây dựng.
Khi đến đây du khách được hưởng cảm giác tự tại, không phải chen lấn. Bãi gửi xe rộng rãi đủ sức chứa hàng ngàn chiếc. Điểm thờ nào cũng có nước uống phục vụ, ghế đá nghỉ chân và hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ hiện đại. Tất cả đều miễn phí. Những chi tiết rất nhỏ ấy lại khiến hình ảnh Bạch Đằng Giang ngày một tốt đẹp trong lòng du khách.
Khu di tích Bạch Đằng Giang, rộng 20 ha nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh được nhà nước công nhận năm 1962. Trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp đón hơn 2 vạn du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2018, mỗi ngày có 1 vạn du khách tới đây vãn cảnh. Hàng năm, khu du tích tổ chức nhiều dịp lễ để đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm, ngoài lễ hội đầu xuân, lễ khai ấn đền Trần 14 tháng Giêng, ngày giỗ vua Lê Đại Hành 18 tháng Giêng, tính theo âm lịch tới đây còn có đại lễ Phật đản vào 15-4; lễ Vu Lan 15-7; ngày giỗ đại vương Trần Quốc Tuấn 20-8… |
Với gần chục công trình, quần thể khu di tích Bạch Đằng Giang ở Tràng Kênh nổi bật với các ngôi đền lần lượt gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Để ghi nhớ công đức của các vị tiên liệt với non sông đất nước và lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc, năm 2008, tập thể cán bộ công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng (nay là Vicem Hải Phòng) đã cùng với nhân dân góp sức quyết tâm xây dựng một quần thể di tích ghi dấu ấn hồn thiêng sông núi nước Nam. Công trình đầu tiên xây dựng vào năm 2008 là linh từ Tràng Kênh và đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 2009, đền Tràng Kênh Vọng đế thờ Lê Đại Hành hoàng đế được xây dựng.
Trong cụm đền thờ còn có đền thờ Đức Vương Ngô Quyền xây dựng năm 2011 trên khuôn viên rộng 5000m2. Cả 3 ngôi đền được thiết kế dáng cổ với sự kết hợp của gỗ và đá tự nhiên nằm dưới hàng cây xanh mát tạo thành một quần thể kiến trúc trên bến dưới thuyền sơn thủy hữu tình, vừa có thể ngắm nhìn ngọn núi đá vôi Tràng Kênh hùng vỹ, vừa nhìn ra dòng Bạch Đằng lịch sử năm nào. Song hành với 3 ngôi đền là đền thờ Mẫu và chùa Trúc Lâm tràng Kênh xây dựng mô phỏng theo chùa Đồng Yên tử. Khu di tích Bạch Đằng Giang cũng là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và có nhà truyền thống lưu giữ những phiên bản về 3 trận thủy chiến lịch sử.
Anh Nguyễn Mạnh Hà – Ban Quản lý khu di tích cho biết: Hiểu về giá trị lịch sử linh thiêng nơi đây, vì vậy chúng tôi quyết tâm giữ gìn để tôn tạo, tu bổ khu này làm sao xứng đáng với công lao của các vị tiền nhân anh hùng dân tộc. Nơi đây không chỉ là nơi thăm quan mà còn là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của dân tộc. Mọi người mong muốn một lần được đặt chân đến khu di tích để cảm nhận về lịch sử hào hùng, công lao to lớn của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước, từ đó thấy thêm yêu hòa bình ngày hôm nay.
Thăm Bạch Đằng Giang để tìm về lịch sử
Bạch Đằng Giang là một hợp thể kiến trúc quy mô, hài hòa với các công trình hợp nhất, được chế tác hoàn toàn bằng đá nguyên khối, trang trí khắc nổi với đề tài liên quan đến tín ngưỡng tâm linh người Việt. Xung quanh cây cối tươi xanh, thế đất tựa đầu vào núi, hướng mặt ra sông và lối kiến trúc cổ, mang đậm nét dân tộc đã tạo nên quần thể các công trình vừa tôn nghiêm vừa linh thiêng. Việc xây dựng, tạc tượng với nguyên vật liệu đặc trưng của dân tộc, được lấy từ chính quê hương của các ngài thể hiện sự tận tâm và tri ân của những người xây dựng lên ngôi đền cũng như dân chúng vùng Tràng Kênh đối với công đức của các ngài.
Hàng năm, di tích Bạch Đằng Giang đều được đầu tư đưa những công trình mới vào sử dụng, không phụ lòng công đức của du khách thập phương. Năm 2017, Quảng trường chiến thắng được hoàn thiện với hình ảnh 3 vị anh hùng dân tộc sừng sững, uy nghi mắt hướng ra dòng Bạch Đằng. Quảng trường nổi thiết kế rộng rãi với những cầu đá được chạm khắc tinh xảo, tôn thêm vẻ hùng tráng, kỳ vỹ của 3 pho tượng các bậc danh tướng. Xung quanh là bãi cọc lim mô phỏng bãi cọc lịch sử, sôi sục khí thế non sông vang dội.
Nhắc đến dòng sông Bạch Đằng không thể không nhắc đến 3 trận thủy chiến vang dội trong lịch sử. Lần thứ nhất xảy ra năm 938, khi tướng Nam Hán là Hoằng Thao dẫn 2 vạn thủy quân xâm phạm nước ta. Với trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đạp tan ách đô hộ ngàn năm của phương Bắc, mở ra kỉ nguyên độc lập cho dân tộc. Năm 981, giặc Tống xua quân xâm chiếm nước ta. Chúng thất trận ở Lục Đầu Giang, phải tháo chạy theo hướng Bạch Đằng.
Cũng với thế trận bãi cọc, Lê Hoàn đã làm nên chiến thắng lịch sử lần 2, đưa tên tuổi vua Lê Địa Hành vang danh trong lịch sử. Lần thứ ba, gắn liền với tên tuổi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi ông cùng vua tôi nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông năm 1288. Chỉ một đoạn cửa sông không mấy rộng lớn nhưng lại ghi dấu ấn lịch sử oanh liệt, biểu tượng cho tinh thần hiên ngang, bất khuất của cả một dân tộc. Nằm ngay bên dòng Bạch Đằng lịch sử, khu di tích như một dấu son tô điểm cho trang sử ấy thêm hào hùng, chói lọi.
Những năm gần đây, khu di tích Bạch Đằng Giang vừa là địa điểm du lịch tâm linh vừa là nơi trải nghiệm thu hút giáo viên, học sinh. Nhiều trường học trong thành phố Hải Phòng đã tổ chức các chuyến thăm quan thực tế đến khu di tích. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh có những giờ học Sử sinh động, tái hiện chân thực qua những tư liệu, hiện vật quý giá nơi đây. Qua đó, giúp thế hệ trẻ có cái nhìn chân thực hơn về lịch sử, biết trân trọng, tự hào và gìn giữ giá trị ông cha ta đã bồi đắp qua thời gian.