Các gia đình Venezuela buộc phải di cư vì khủng hoảng kinh tế của nước này vẫn tiếp tục gia tăng. (Nguồn: Fox News/Hollie McKay) |
Người dân Venezuela đang rơi nước mắt, trốn trong những chiếc lều tạm bợ và đếm từng đồng xu còn lại để nuôi sống gia đình.
“Mới đầu nó chỉ là một vài trường hợp, nhưng vào năm ngoái, nó đã trở thành một làn sóng khi mọi người đều chạy trốn đơn giản vì họ không thể cầm cự nổi nữa”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Ecuador, nói với Fox News.
Mức độ trầm trọng của thảm họa này có nguy cơ sẽ tàn phá nền tài chính ổn định vượt ra ngoài châu Mỹ Latinh mà không ai có thể lường trước hậu quả.
“Nó sẽ là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của khu vực trong thời hiện đại”, theo ông Moises Rendon, phó giám đốc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS).
“Sụp đổ về nhân quyền và sụp đổ kinh tế, nhập cư hàng loạt, thể chế... Kết hợp tất cả các khía cạnh này với nhau thì Venezuela đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa cho nền văn minh của cả khu vực”, ông Rendon nói.
Đáng nói, ít nhất 16 quốc gia lân cận cần hỗ trợ khi xu hướng di cư hàng loạt của người dân Venezuela đang gia tăng nhanh chóng.
Hơn nữa, các nước láng giềng còn bị buộc phải đối phó với sự gia tăng đột biến về trộm cướp, tội phạm tình dục và buôn bán ma túy đến từ Venezuela.
Hiện nay, hầu hết các thị trấn và thành phố trên khắp châu Mỹ Latinh, các bến xe buýt đã trở thành nơi ngủ cho những người di cư mới đến từ Venezuela. Nơi đó cũng trở thành ổ buôn bán ma túy, tội phạm, tấn công tình dục và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Theo số liệu thống kê, mặc dù ước tính hơn 3,3 triệu người Venezuela đã rời khỏi đất nước kể từ năm 2015, nhưng chỉ 11.000 người nộp đơn xin tị nạn.
Theo Fox News, rất khó để kiếm việc làm ở các quốc gia có người tị nạn Venezuela, ngay cả đối với những người có bằng đại học hoặc có nghề trong tay.
Anh Antonio Ledezma, một cựu tù nhân chính trị, thị trưởng của thủ đô Caracas và lãnh đạo phe đối lập hiện đang lưu vong ở Tây Ban Nha, nói với Fox News rằng, hơn 64% người di cư ở độ tuổi dưới 30 và hơn 52% trong đó có bằng đại học.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc men và tiến thoái lưỡng nan về sức khỏe không chỉ gây rủi ro lớn cho sức khỏe của người Venezuela mà còn cho cả khu vực nói chung.
Đất nước này đang phải chịu đựng tình trạng thiếu vắc-xin và phương pháp điều trị bệnh tật nghiêm trọng, khiến người ta lo ngại rằng các bệnh như sởi và bạch hầu không chỉ lan rộng ở quốc gia đang cạn kiệt về tài chính này mà giờ đây còn đe dọa hàng triệu người trên khắp châu Mỹ Latinh.
“Chúng tôi đang cố gắng thiết lập các chương trình có thể mang lại lợi ích cho cả người dân Ecuador và Venezuela, và giải quyết các mối quan tâm về phúc lợi của cả hai nước này”, ông Manuel Hoff, người đứng đầu tổ chức quốc tế về di cư (IOM) của Ecuador nói.