Ở phía Đông dãy núi Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam, có một cộng đồng người Mường sinh sống. Họ quần tụ bên những căn nhà sàn, nép mình bên vách núi.
Vợ chồng ông già Mướp, người khai sinh làng Mường ở Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành. |
Trong căn nhà sàn ở thôn 5 xã Trà Giang, ông Bùi Văn Mướp nhớ lại, năm 1987 ông từ quê nhà xã Miền Đồi (Lạc Sơn, Hòa Bình) đến Quảng Nam thăm người thân sống ở huyện miền núi Bắc Trà My. Những ngày ở đây, ông theo chân người dân bản địa lên rừng, ra suối ngắm cảnh.
Khi qua thung lũng cỏ tranh rậm rạp, bốn phía rừng bao phủ, nước chảy quanh năm, ông nảy sinh ý tưởng đưa gia đình vào ở - cách quê hương cả nghìn cây số. Nghe chồng bàn chuyện vào Quảng Nam, bà Bùi Thị Vũ nói "ông ăn phải bùa mê, thuốc lú mà bỏ quê ra đi". Ông phân bua rằng xứ mình đất đai chật chội, cuộc sống đói khổ, “miền đất hứa” địa thế đẹp, đất đai rộng rãi.
“Đói có rau trên rừng, thức ăn dưới suối, còn lương thực cải tạo thung lũng trồng lúa tha hồ ăn. Vùng đất này có nhiều sản vật bán tăng thu nhập, trang trải cuộc sống”, người đàn ông 60 tuổi nhớ lại.
Dân làng hoài nghi ông Mướp điên khùng, nhiều người ra sức ngăn cản, cảnh báo ông sẽ bị xua đuổi ở vùng đất mới. Bỏ ngoài tai, ông Mướp bán căn nhà với tài sản được 7.000 đồng, gia đình năm người dắt díu nhau cùng xoong nồi, chén, bát, một bao lúa giống đến đất khách.
Gia đình ông Mướp đến vùng đất ven sông Trường, xã Trà Giang dựng lều ở. Những ngày đầu, thức ăn là rau rừng, cá bắt dưới sông suối, thịt săn bắt trong rừng, lương thực mua. Sau ba năm, cả gia đình ngày đêm chinh phục vùng đất cỏ tranh thành đồng ruộng bậc thang trù phú, nước dẫn trên núi xuống quanh năm. Tài sản của ông bà có hơn một hécta canh tác lúa, khoai sắn.
Để cải thiện cuộc sống, ông đào ao nuôi cá, quanh vườn trồng rau quả. Hết mùa sản xuất, cả gia đình lên rừng thu lượm sản vật đem bán. Đầu năm 1993, cuộc sống ổn định, ông bà gom được ít tiền đưa các con về lại thăm quê cũ. Ông mời người thân, xóm làng có dịp vào thăm nhà ông.
Ruộng đồng bạc thang của người Mường xanh tốt. Ảnh: Đắc Thành. |
Nhiều người trong xã Miền Đồi nhận lời vào thăm. Họ ngạc nhiên khi thấy vùng đất ông Mướp sinh sống giàu có hơn quê mình. Nhiều người học theo rời quê, ban đầu vài hộ, rồi dần dần cả chục hộ, hình thành làng Mường trên đất Quảng Nam. Nhiều người trước đây ra sức ngăn cản ông thì nay theo vào dựng nhà, khai phá đất đai canh tác.
Làng Mường hiện có hơn 100 hộ dân ở thôn 5 xã Trà Giang, sống cùng một số tộc người Ca Dong, Co và Kinh. Giữa nền văn hóa khác lạ, người Mường vẫn giữ bản sắc cha ông. Hầu hết gia đình làm nhà sàn truyền thống.
“Có nhiều người đến mua nhà sàn tiền tỷ, nhưng chúng tôi không bán, bà con động viên nhau gìn giữ. Bởi căn nhà này là nét văn hóa truyền thống, như là kỷ vật nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn gốc tổ tiên, không quên được phong tục của mình khi hòa nhập vùng đất mới”, ông Mướp chia sẻ.
Người Mường ở xã Trà Giang còn có một báu vật, đó là rừng lát hoa. Những năm trước, mỗi lần về quê họ mang cây gỗ lát hoa vào trồng quanh nhà, trên rừng. Người ít vài chục cây, người nhiều trồng cả đồi.
“Ở vùng đất mới, loại cây này phát triển nhanh và cho gỗ rất đẹp. Tôi trồng hơn 1.000 cây, gần 20 năm tuổi, đường kính 30-50 cm, từ gốc đến ngọn thẳng tắp, dài nên lượng gỗ nhiều. Vài chục năm sau, tôi chặt bán mỗi cây giá vài chục triệu đồng”, ông Bùi Văn Tới bày tỏ.
Những căn nhà sàn mang bản sắc của người Mường. Ảnh: Đắc Thành. |
Sự có mặt của bà con dân tộc Mường đã khai sáng cho người dân xã Trà Giang nhiều điều. Họ học được cách trồng lúa nước, đào ao nuôi cá, làm ăn chăm chỉ, đặc biệt con cái học hành rất giỏi.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn cho biết, địa bàn có 17 dân tộc sinh sống. Nói về cách làm ăn, đầu tư cho con em học hành thì phải kể đến đồng bào người Mường. Họ chăm chỉ lao động sản xuất và giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.
“Làng Mường là một điểm sáng của huyện trong phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới, trở thành hình mẫu để huyện nhân rộng ra những thôn, bản khác”, ông Tuấn nói.
Tác giả: Đắc Thành
Nguồn tin: Báo VnExpress