Trẻ nhỏ lớn lên ở thành phố có lẽ hiếm khi được nhìn thấy loài côn trùng này. Nhưng với những ai sinh sống ở nông thôn thì chỉ nhìn qua là nhận ra ngay - đây chính là dế trũi.
Điểm đặc biệt của dế trũi là sở hữu năng lực như siêu nhân - vừa biết bay, biết bơi lại vừa có thể di chuyển nhanh nhẹn trên mặt đất. Tại Trung Quốc, chính nhờ siêu năng lực này mà chúng còn được gọi là “hải không lục” (tạm dịch: Biển, bầu trời, đất liền). Ngoài ra, một số vùng còn gọi chúng với biệt danh “chó đất”.
Đây là loài gây hại cho mùa màng, chúng thường đào những đường hầm ngang dọc trên mặt luống để cắn rễ hoặc làm đứt rễ cây con, khiến cây dễ chết. Không chỉ riêng nông dân Việt Nam ghét bỏ chúng, những người làm nghề nông ở Trung Quốc cũng coi chúng là “kẻ thù”.
Tuy nhiên “vật đổi sao dời”, loài côn trùng đáng ghét năm nào nay bỗng “một bước lên mây”, trở thành đặc sản đắt đỏ với giá 240 NDT/kg (780.800đ) tại đất nước tỉ dân. Ở Việt Nam, dế trũi cũng có giá rất cao, dao động từ khoảng 300.000đ/kg đến 500.000đ/kg, tùy thời điểm.
Loài côn trùng này rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều loại axit amin và các nguyên tố vi lượng có lợi cho cơ thể con người. Dế trũi có vị mặn và giòn, có thể chế biến thành nhiều món như chiên, xào, xiên nướng, áp chảo… Tại một số nhà hàng ở Trung Quốc, một đĩa dế trũi có thể bán với giá lên tới 200 NDT (650.000đ), vì vậy có người còn chuyên nuôi chúng để làm kinh tế.
Không chỉ là đặc sản thơm ngon, dế trũi còn là một nguyên liệu quý giá trong y học cổ truyền châu Á. Tại Việt Nam, người ta thường bắt chúng vào tháng 8 - 9, rửa sạch, nhúng vào nước sôi hoặc rượu rồi vặt cánh, bỏ râu, chân và đuôi, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu này có vị mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng lợi tiểu, chữa trướng bụng…