Loạt dự án nghìn tỷ thua lỗ: “Đau đầu” nhất là xử lý tranh chấp với tổng thầu EPC

Admin
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương đánh giá việc xử lý tranh chấp đối với tổng thầu EPC là vấn đề khó khăn nhất bây giờ khi xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ...

 Một trong những khó khăn trong việc xử lý dự án thua lỗ của ngành công thương đó là việc tranh chấp pháp lý với tổng thầu EPC.

Tại buổi họp báo vừa diễn ra của Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đã thông tin liên quan tới việc xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Theo đó, ông Hưng khẳng định, ở cả 12 dự án này đều đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong nhóm 6 nhà máy trước đây có hoạt động xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay có 2 nhà máy bão lãi. Đó là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2018 và nhà máy Thép Việt - Trung có lãi 527,2 tỷ đồng.

“4 dự án còn lại trong nhóm này đều có phương án tiết giảm chi phí, tổ chức sản xuất để giảm lỗ như nhà máy đạm Ninh Bình, DAP số 2…”, ông Hưng cho biết.

Còn đối với nhóm nhà máy phải dừng sản xuất như PVTex Đình Vũ, nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhiên liệu sinh học Bình Dương, đến tháng 4/2018, một số dây chuyền sản xuất của PVTexĐình Vũ đã đi vào sản xuất và cho ra sản phẩm chất lượng.

“Còn nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Phước trước đây gặp nhiều khó khăn khiến chúng ta không vận hành được thì giờ chờ điều kiện thị trường thuận lợi có thể sẵn sàng ấn nút khởi động”, ông Hưng nói. Còn riêng nhà máy bột giấy Phương Nam thì đang triển khai đấu giá.

Một thông tin được cho là tích cực khác được ông Hưng đưa ra, đó là sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án đều giảm (đến thời điểm hiện tại, đã giảm thêm 124 tỷ so với đầu năm 2018).

Ông Hưng cho biết năm 2018 cơ bản xử lý được khó khăn vướng mắc, phấn đấu tới năm 2020 xử lý được dứt điểm. Tuy nhiên vấn đề theo ông Hưng đánh giá là “khó nhất bây giờ” chính là việc xử lý tranh chấp pháp lý đối với tổng thầu EPC do các dự án kéo dài trong thời gian nhiều năm.

"Mới đây, Ban chỉ đạo đã yêu cầu tập trung chỉ đạo để xử lý vấn đề này, theo đó giao Bộ Tư pháp làm đầu mối cùng các bộ ngành để giúp cho tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư từng bước xử lý các tranh chấp. Nếu xử lý được vấn đề này thì sẽ xử lý được hàng loạt các bước tiếp theo", ông Hưng khẳng định.