Đang thụ án 21 năm về tội Giết người, Cướp tài sản trong trại giam Nam Hà (Bộ Công an), phạm nhân Phạm Văn Tú, SN 1983, trú tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, Nam Định bảo rằng có những lúc cùng cực khi nghĩ đến tội lỗi của mình khi kéo theo nhiều người khổ. Mặc dù được gia đình bị hại bao dung, chấp thuận cho gia đình Tú sang thay anh ta thực hiện việc bồi hoàn, nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh người cha đã già phải lóc cóc chiếc xe đạp, Tú lại thấy đau nhói trong ngực. Đã rất nhiều lần muốn cho lương tâm mình thanh thản, anh ta viết thư xin lỗi gia đình bị hại nhưng cứ viết rồi cổ họng lại ứ nghẹn, bởi nỗi đau giằng xé...
Bị chú họ rủ rê... làm chuyện xấu
Theo lời Phạm Văn Tú thì anh ta sinh ra trong một gia đình khá giả, có bố là cán bộ thú y của huyện. Con út được chiều nên hậu quả là Tú chưa học qua lớp 7 đã bỏ học. Ở nhà lông bông một thời gian, đến tuổi đi lính nghĩa vụ, Tú đầu quân. Cả nhà động viên và hy vọng biết đâu môi trường quân ngũ sẽ rèn luyện Tú nên người. 3 năm sau trở về, mặc dù trong lý lịch tốt song Tú vẫn không xin được việc làm.
Được người cháu họ tên Nguyễn Văn An rủ rê, Tú cùng theo lên Hà Nội. Ban đầu hai chú cháu đi làm phụ hồ, trông dắt xe nhưng do không quen lao động tay chân giữa lúc trời nóng bức nên bảo nhau bỏ việc. Quay về quê tìm việc càng khó hơn, cả hai lại một lần nữa lên Thủ đô tìm việc. Tại đây, họ được một người đồng hương rủ vào Tây Nguyên lập nghiệp, Tú gật đầu. Trong túi không có nổi trăm ngàn, An rủ Tú đi cướp xe ôm. Cũng theo lời Tú thì chả hiểu lúc ấy thế nào, mà khi nghe người cháu họ rủ, Tú lại răm rắp nghe theo.
Theo tài liệu, để thực hiện hành vi phạm tội, Tú và An đã ra ngã ba Pháp Vân đón xe. Với bộ quân phục trên người, hai tên dễ dàng chiếm được lòng thông cảm của nhà xe, được một xe khách cho đi nhờ về Phủ Lý. Xuống vườn hoa thị xã Phủ Lý, hai tên lại đi tiếp một chặng nữa về TP Nam Định. Thấy trời vẫn còn sáng, hai tên bảo nhau vào công viên Vị Hoàng chơi. An nhặt nửa viên gạch bỏ vào túi rồi bàn với Tú chọn lái xe ôm nào có xe máy còn mới thì thuê chở sau đó gây án...
Khoảng 22g ngày 28-6-2004, tại khuôn viên ngân hàng tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo, với giá thuê chở cao hơn so với bình thường, hai tên Tú và An nhanh chóng thuê được một xe ôm chở về Trực Ninh. Người đàn ông đó chính là anh Đặng Xuân Thưởng, SN 1958, cùng quê với An và Tú. Sau khi điều anh Thưởng chở đi, hai tên đã lợi dụng trời tối, chỗ vắng người để xuống tay với nạn nhân, rồi vứt xác xuống kênh nước.
Ngay đêm đó, sau khi cướp được xe máy, hai tên đèo nhau ngược lên Hà Nội. Tuy nhiên, do xe không có giấy tờ nên chúng không bán được, đành phải dùng làm phương tiện chạy trốn. Ra Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí lên Thái Nguyên ẩn náu và cũng là để tiêu thụ chiếc xe gian nhưng vẫn không bán được. 8 tháng lang thang lẩn trốn và không còn chỗ tá túc, Tú quay về Nam Định, chỉ còn mình An với chiếc xe máy lang bạt kỳ hồ. 3 ngày sau khi trở về nhà, Tú bị bắt còn An gần một tháng sau mới sa lưới pháp luật.
Theo lời khai của các đối tượng thì sau khi lẩn trốn, lang bạt ở nhiều tỉnh thành và phập phồng lo sợ, Tú quay về nhà. Chiếc xe máy cướp của anh Thưởng, An bán được gần 6 triệu đồng và ăn tiêu hết, không chia cho Tú đồng nào. Với hành vi giết người, cướp của, An bị tuyên phạt mức án tử hình còn Tú do chỉ là vai trò giúp sức nên hình phạt dành cho anh ta nhẹ hơn. “Ban đầu em bị tòa tuyên phạt 23 năm tù nhưng sau được gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ nên còn 21 năm tù. Cô ấy rộng lượng tha thứ làm em càng day dứt. Cứ tưởng gây án mới người lạ, ai dè đến lúc hầu tòa mới biết chú ấy cùng khu nhà mình, mà cuộc sống cũng hoàn cảnh lắm”, phạm nhân Phạm Văn Tú tâm sự.
Phạm nhân Phạm Văn Tú trong trại giam. |
Tia sáng lóe lên từ nỗi ân hận...
Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Phạm Văn Tú bảo rằng, ngày hầu tòa, anh ta mới biết cuộc sống của người lái xe ôm thật nhọc nhằn bởi anh Thưởng là lao động chính trong nhà. Từ ngày bố mất, cuộc sống của hai đứa con trai lúc đó lên 9, lên 10 chỉ còn biết trông vào đôi vai gầy của mẹ. Biết gia đình mình dẫu gì cũng điều kiện hơn nên khi được gặp người thân, Tú đã xin bố mẹ cố gắng thu xếp trả số tiền bồi thường mà tòa đã tuyên cho ba mẹ con gia đình bị hại.
Anh ta còn khẩn khoản đề nghị bố hãy bớt chút thời gian và tiền bạc để hàng tháng thay mình thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng hai đứa trẻ. Được gia đình chấp thuận, Tú thấy nhẹ lòng hơn nhưng cứ nghĩ tới cảnh bố mình hàng tháng đều đặn đạp xe sang nhà bị hại, thay mình thực hiện việc bồi hoàn là lại thấy đau nhói trong ngực. Dường như đến lúc này Tú mới thấy thương bố mẹ và ái ngại cho sự nhẫn nhịn của đấng sinh thành. Nhất là khi nghe bố kể về cái lần 2 đứa trẻ con anh Thưởng hỏi về cái chết của bố chúng, Tú đoán chắc lúc đó bố mình khổ tâm lắm.
Không những vậy, cứ ba tháng một lần, bố Tú lại vào thăm con trai, đem theo rất nhiều chuyện ở nhà kể cho Tú nghe. Tú đón nhận một cách hồ hởi nhưng quan tâm nhất vẫn là những thông tin về con của gia đình bị hại. Bởi Tú lo sợ một ngày nào đó, con nạn nhân lớn lên, chúng sẽ không tha thứ cho lỗi lầm của anh ta. Vì vậy, trong sâu thẳm, Tú bảo rằng chỉ mong hai con của nạn nhân hiểu và tha thứ cho mình, để sau này ra trại, Tú sẽ tu tỉnh, làm lại cuộc đời và bù đắp một phần tổn thất mà anh ta gây ra cho gia đình bị hại.
Nhắc đến ngày về không còn xa nữa, phạm nhân Phạm Văn Tú bảo rằng, hơn chục năm thụ án trong trại giam, anh ta đã thấu hiểu và biết lỗi lầm mình gây ra nên luôn cố gắng cải tạo để có thành tích tốt. Vì vậy, đến nay anh ta đã được giảm án nhiều lần và nếu không có gì thay đổi thì ngày về hòa nhập với cộng đồng của Tú rất gần.
“Những năm tháng trong tù, em đã thấu hiểu lỗi lầm của mình. Vì vậy, em mong muốn sau khi ra trại, được gia đình và anh chị em ở nước ngoài lo thủ tục, cho em sang đó lập nghiệp thì tốt. Còn nếu không, em sẽ chọn phần cuộc sống còn lại của mình trong lặng lẽ ở nơi cửa phật, có như vậy mới có thể gột hết được lỗi lầm mà em đã gây ra...”, nói rồi, phạm nhân Phạm Văn Tú cúi mặt, giấu đi những ân hận.