Lỏng lẻo cấp phép thực phẩm chức năng, đừng trông chờ hậu kiểm

Admin
Sự lỏng lẻo trong quy trình quản lý, cấp phép, hậu kiểm thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp vi phạm sản xuất hàng giả, nhái, kém chất lượng.

 Vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả Vinaca là một dẫn chứng điển hình về việc quản lý lỏng lẻo trong lĩnh vực này

Đăng ký mỹ phẩm nhưng sản xuất TPCN

Chiều 9/4, các cơ quan chức năng TP Hải Phòng “đột kích” một cơ sở sản xuất nằm cuối con mương, sát Khu công nghiệp Tràng Duệ, quận Kiến An, Hải Phòng. Tại đây, có 10 công nhân đang làm việc, dùng tre, nứa, củi đốt thành than để chuyển sang cơ sở cũng trên địa bàn quận này chế biến, đóng gói thành TPCN. Từ vụ việc này, người tiêu dùng rúng động khi biết rằng, đây chính là quy trình, công nghệ sản xuất thực phẩm chữa… ung thư, thần kinh mang thương hiệu Vinaca.

Để bột than tre có thể được tung hô như một loại “thần dược”, tiêu thụ khắp cả nước, có thể nói, không thể thiếu hai “bảo bối” quan trọng là giấy tiếp nhận công bố sản phẩm do Sở Y tế Hải Phòng cấp và chứng nhận Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu Việt Nam được cấp bởi Viện Khoa học chống hàng giả, thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (VATAP).

Theo đó, Phó giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Tiến Sơn xác nhận, đã cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm cho Công ty TNHH Hồng An Phong, có trụ sở tại xã Hồng Phong, huyện An Dương, do Nguyễn Văn Tuấn làm giám đốc (bị Công an Hải Phòng bắt giữ ngày 25/5). Các sản phẩm công bố bao gồm: Vinaca Carbon đa dụng; tẩy mùi hôi cơ thể; ung thư Vi3, tẩy mùi hôi cơ thể Vi4; baby Vi6; tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập căng thẳng, mệt mỏi…

Tuy nhiên, thay vì sản xuất mỹ phẩm, Tuấn đã sản xuất bột than tre để cung cấp cho Công ty TNHH Vinaca do Nguyễn Xuân Thu làm giám đốc (bị bắt ngày 2/5) để biến thành TPCN, rồi dùng chính bộ hồ sơ do Tuấn đăng ký như một “chứng thư” bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, vụ việc Vinaca là một ví dụ điển hình về “lỗ hổng chết người” trong quản lý đối với quá trình cấp phép, sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm TPCN vừa qua.

Khi Báo Giao thông đặt vấn đề trách nhiệm của Sở Y tế Hải Phòng trong vụ việc, ông Sơn cho rằng, Sở Y tế chỉ có chức năng tiếp nhận hồ sơ của Hồng An Phong, mà cụ thể là về công bố sản xuất mỹ phẩm chứ không tiếp nhận hồ sơ TPCN. “Việc doanh nghiệp núp bóng danh nghĩa hồ sơ mỹ phẩm để sản xuất TPCN là vi phạm pháp luật, đây là sản phẩm không được cấp phép nhà nước”, ông Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, PV Báo Giao thông chất vấn: Mỹ phẩm là sản phẩm dùng để bôi bên ngoài, có thể làm sạch, làm đẹp da, tóc... song không được sử dụng trong đường uống. Trong khi đó, lúc đăng ký hồ sơ, Hồng An Phong lại “gắn” cho mỹ phẩm các chức năng điều trị về thần kinh, thậm chí... ung thư? Ông Sơn khi ấy mới thừa nhận: “Những sản phẩm Vinaca có tên tương đối nhạy cảm, chúng tôi sẽ chấn chỉnh trong việc cấp phép này”. Ông Sơn cũng thanh minh, đây là do sơ suất của phòng chuyên môn khi phải tiếp nhận quá nhiều hồ sơ và “đây là sự cố đáng tiếc, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”.

Mặc dù vậy, ông Sơn phủ nhận Sở Y tế đã quản lý lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng Vinaca câu kết với Hồng An Phong lừa đảo người tiêu dùng. Ông Sơn dẫn giải rằng: Theo quy định, cơ quan chức năng mỗi năm được phép kiểm tra một lần. Khi kiểm tra sản phẩm trên thị trường có vấn đề mới quay lại kiểm tra cơ sở sản xuất. Song, thực tế Vinaca kinh doanh trên mạng và tại nhiều địa phương khác, còn tại các cửa hàng kinh doanh dược, mỹ phẩm trên địa bàn hầu như không bày bán. “Sở Y tế có sơ suất, nhưng chưa gây ra hậu quả, vì thực tế doanh nghiệp chưa sản xuất những sản phẩm đã được cấp phép. Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, chúng tôi đã thu hồi phiếu công bố sản phẩm”, ông Sơn nói (?!)

Không minh bạch khó kiểm soát

Mang câu chuyện của Vinaca cũng như vấn đề cấp phép, quản lý TPCN, mỹ phẩm hiện nay trao đổi với ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Trung cho rằng: Với việc nới rộng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký, sản xuất như hiện nay, hậu kiểm là quan trọng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể hậu kiểm 100% sản phẩm đã đăng ký sản xuất trong nước. Chính vì vậy, hậu kiểm thường được thực hiện với từng nhóm sản phẩm, như các sản phẩm có nguy cơ cao, có lượng tiêu dùng lớn...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho biết: Thị trường TPCN Việt Nam đang phát triển nở rộ với hơn 3.600 DN sản xuất, kinh doanh, gần 7.000 sản phẩm nhưng khó kiểm soát chất lượng, thậm chí, nhiều DN sản xuất TPCN giả. Ngành kinh doanh TPCN phát triển đột biến nhưng công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn.

Để quản lý tốt hơn thị trường TPCN, cần phải có quy định chặt chẽ không để TPCN đi “ngoài luồng”. Các lực lượng cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, công khai việc thực thi, kiên quyết thu hồi và dừng cấp phép có thời hạn đơn vị làm hàng giả. Ngoài ra, hiện hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN còn lỏng lẻo.

“Khi cấp phép, riêng việc đơn vị đăng ký địa chỉ không rõ ràng, ngoắt ngoéo đã là dấu hiệu đầu tiên cho thấy không ổn… Những chỗ như vậy làm sao sản xuất được mà vẫn cấp giấy phép”, ông Hùng nêu.

Hay việc lực lượng QLTT bắt rất nhiều vụ hàng giả, nhái, kém chất lượng nhưng xử lý hình sự không nhiều. Ông Hùng cho rằng, những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thuốc, TPCN, mỹ phẩm… phải xác định xử nghiêm và phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.

“Theo tôi, hậu kiểm quan trọng, nhưng kiểm tra thế nào là bài toán khó. Đơn vị chuyên ngành lực lượng rất mỏng, sức đâu kiểm tra hết? Hơn nữa, tự cấp tự kiểm tra cũng không ổn. Trong khi QLTT chúng tôi được phủ kín đến cấp quận, huyện. Đáng nhẽ, phải có chương trình cụ thể trên toàn quốc và tất cả những địa chỉ doanh nghiệp được cấp phép phải cung cấp đầy đủ để chúng tôi phối hợp kiểm tra. Nguyên tắc kiểm tra nên đi liên ngành, cùng giám sát, nên minh bạch, kiểm tra liên ngành, bí mật, thường xuyên mới hiệu quả”, ông Hùng cho hay