Mận chín rộ cực ngon nhưng ăn bao nhiêu quả mỗi ngày thì tốt?

Cao Hiếu
Mận đang vào mùa chín rộ, ngon ngọt tuy nhiên nhiều người thắc mắc ăn bao nhiêu quả mỗi ngày mới là tốt nhất.

Mùa mận thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 8. Có một số loại mận chính như: mận tam hoa, mận hậu, mận tả van, mận thép, mận cơm, mận Pu Nhi... Các loại mận hậu, mận cơm, mận tam hoa thường vào mùa và chín rộ nhất vào khoảng tháng 5.

man-chin-ro-cuc-ngon-nhung-an-ba-1-1716863898.jpg


Trong mận nói chung chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chúng cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính. Ảnh minh họa

Các loại mận không có nhiều sự khác nhau về thành phần dinh dưỡng. Trong mận nói chung chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chúng cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.

Tác dụng của quả mận
Do hàm lượng chất xơ trong mận tương đối cao nên có khả năng làm giảm táo bón. Ngoài ra trong mận có chứa sorbitol có tác dụng nhuận tràng tự nhiên rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Mận cũng là loại quả giàu chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào trong cơ thể khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do, mận đặc biệt chứa nhiều polyphenol có tác động tích cực đến sức khỏe xương và giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh đái tháo đường.

Mặc dù có hàm lượng carbs khá cao nhưng mận lại không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu sau khi ăn, ngược lại, mận có khả năng làm tăng mức adiponectin - một loại hormon giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra chất xơ trong mận giúp làm chậm tốc độ cơ thể hấp thu carbs sau bữa ăn, có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.

Do hàm lượng chất xơ, kali và chất chống oxy hóa cao mà mận có thể giúp làm giảm huyết áp và mức cholesterol, thúc đẩy sức khỏe tim mạch.

Quả mận khô cũng có khả năng ngăn ngừa hoặc đảo ngược quá trình mất xương, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương.

Nên ăn bao nhiêu mận mỗi ngày?
Theo Times of India, bạn chỉ nên ăn 4 - 5 quả mận mỗi ngày để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất đối với sức khỏe mà không dẫn đến bất kỳ tác dụng phụ nào. Lượng mận này có thể chia thành nhiều lần ăn trong ngày, ví dụ như ăn 2-3 quả mận vào bữa sáng và ăn số còn lại vào bữa phụ hoặc sau bữa ăn chính.

Tuy nhiên, lượng mận phù hợp mỗi ngày cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào một số yếu tố như tình trạng sức khỏe, kích cỡ cơ thể cũng như mức độ hoạt động của từng người.

Tác hại nếu ăn quá nhiều mận
Mận ở Việt Nam thường chỉ có theo mùa vì vậy nhiều người quan niệm rằng nên tận dụng để ăn thức quà mùa hè này nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, theo Pharmeasy, mận có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng việc ăn quá nhiều loại quả này cũng có thể đem lại những tác hại tiềm ẩn.

Mận chứa một lượng oxalate nhất định, nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận ở những người có cơ địa dễ bị sỏi. Oxalate kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành tinh thể oxalate, lắng đọng trong thận và hình thành sỏi.

man-chin-ro-cuc-ngon-nhung-an-ba-1716863952.jpg


Mận có tính axit cao vì vậy nếu ăn quá nhiều có thể làm mòn men răng, đặc biệt là ở trẻ em. Ảnh minh họa

Mận có tính axit cao vì vậy nếu ăn quá nhiều có thể làm mòn men răng, đặc biệt là ở trẻ em. Axit trong mận phá hủy lớp men răng bảo vệ, khiến răng dễ bị sâu, nhạy cảm và ố vàng.

Ngoài ra, chất xơ trong mận cần thời gian để được tiêu hóa, nếu ăn quá nhiều loại quả này có thể gây đầy bụng và khó tiêu, đặc biệt là những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Nên ăn mận từ từ, nhai kỹ và uống nhiều nước để hỗ trợ tiêu hóa

Mận có tính nóng, do đó ăn quá nhiều có thể gây nóng trong người, nhiệt miệng, mẩn ngứa,... Vì vậy chỉ nên ăn một số lượng mận vừa đủ mỗi ngày, đặc biệt là đối với những người có cơ địa nóng trong.

Như vậy, ăn mận mỗi ngày với lượng vừa phải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các yếu tố khác để điều chỉnh lượng mận phù hợp cho bản thân. Đồng thời, hãy chú ý đến những dấu hiệu cho thấy bạn đã ăn quá nhiều mận để điều chỉnh lượng mận cho phù hợp.