Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm sâu hút ở cuối con dốc cao của khu 11, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để thăm hoàn cảnh mấy mẹ con chị. Bước vào nhà, một cảnh tượng thương tâm đập ngay trước mắt, khiến chúng tôi thấy lòng quặn thắt; trên tấm phản cáu bẩn kê ở giữa nhà là 2 đứa trẻ nằm co quắp, dù đã 5 và 11 tuổi nhưng các con trông như những đứa nhỏ hai, ba tuổi, chân tay co rút biến dạng, miệng liên tục gào thét…
|
|
2 chị em Cao Phạm Thùy Dung(11 tuổi), và Cao Thùy Dung(5 tuổi) cùng mắc bại não. |
Cùng lúc bế cả 2 đứa con vào lòng, chị Mai vội vã đổ vội mấy thìa nước đường vào miệng 2 đứa, những mong các con sẽ tạm quên đi cái đói. Sau một hồi gào khóc, 2 đứa trẻ dần thiếp đi, chị Mai lại tất bật lấy khăn lau mồ hôi cho các con và chườm mát cho các bé bớt sốt. Cố kìm nén những tiếng nấc nghẹn trong cổ họng, chị Mai tâm sự với chúng tôi trong nước mắt mặn chát đang rớt xuống đôi vai gầy guộc:
Bé Thùy Dương may mắn được phẫu thuật mắt, nhưng do không được chữa trị thường xuyên, nên chân tay hiện co rút cứng đơ không duỗi ra được. |
Cùng mắc đục thủy tinh thể giống chị, nhưng bé Thùy Dung hiện vẫn chưa được làm phẫu thuật. |
“11 năm rồi chị ơi, các con em chưa một lần ngồi dậy, các con biết khóc khi đau khi đói, nhưng chưa bao giờ em được nghe một tiếng mẹ ơi! Không biết tại sao ông trời lại hành hạ các con em thế!... Vợ chồng em cũng đã cố gắng hết sức mình, để cho các cháu lên các bệnh viện trung ương chạy chữa, nhưng cũng không được đều đặn, thường xuyên vì không có tiền. Không biết có phải vì vậy không mà bệnh của các cháu ngày càng nặng. Giờ đôi tay của con bé lớn Thùy Dương co quắp cứng đơ không duỗi ra được nữa, còn đôi mắt của Thùy Dung thì trắng đục không nhìn thấy gì.. Nhìn các cháu như này, em đau xót lắm nhưng vợ chồng em cùng đường rồi chị ơi!”
Để các con được đến viện, người mẹ này đã phải vay mượn khắp nơi. |
Bản thân chị lại không có việc làm, nên sau hơn10 năm trời chạy chữa cho các con gia đình đã rơi vào cảnh khánh kiệt. |
Giọng chị Mai nghẹn lại trong nỗi đau xót tủi hổ tột cùng, nước mắt cũng tuôn ra ướt đẫm xuống cổ xuống ngực. Vừa chấp nhận được sự thật sau 5 năm sinh bé Thùy Dương, chị Mai mới quyết định sinh thêm bé thứ 2. Biết bao niềm tin và hy vọng, dốc hết tâm lực vào 9 tháng thai kỳ, bao lần thăm khám cả ở tuyến trung ương đều cho kết quả tốt, vậy rồi nỗi đau lại bị nhân lên gấp bội trong ngày chị sinh bé Thùy Dung.
Nỗi đau đớn khôn cùng hiện rõ trên gương mặt người mẹ khốn khó. |
“Không biết có phải do con mang bệnh từ trước, hay do con bị sinh non ngạt ối nên như vậy! Lúc sinh con ra, linh tính mách bảo khi em không nghe thấy cháu khóc, dẫu phải vào phòng cách ly ngay sau đó nhưng nhất quyết khóc lóc cầu xin bác sĩ cho gặp con. Nhìn con bé yếu ớt chỉ khóc nhỏ như tiếng mèo rên, đôi tay xòe ra không nắm lại được khiến em ngất lịm.”
Khao khát sinh được một đứa con lành lặn khỏe mạnh chưa bao giờ nguôi, nhưng việc chăm sóc 2 đứa con bất hạnh đã khiến chị Mai chưa dám nghĩ tới. |
Nỗi đau quá lớn khiến chị Mai rơi vào trạng thái trầm uất sau sinh, có lúc chị đã nghĩ quẩn…Chỉ tới khi có người đặt Thùy Dung vào lòng mẹ, con bé khát sữa ngằn ngặt khóc rồi bằng bản năng sinh tồn nó há miệng, dụi đầu vào ngực mẹ… Lúc ấy chị Mai chợt bừng tỉnh, chị không thể bỏ mặc con mà phải cùng con sống và “chiến đấu” tới hơi thở cuối cùng.
“Em có tội lớn với các con khi không sinh ra các con được khỏe mạnh, tội của em càng lớn hơn khi không thể chữa trị chăm sóc các cháu được đầy đủ. Đôi mắt của các cháu đều bị đục thủy tinh thể không nhìn thấy gì cả, cố gắng lắm em mới làm phẫu thuật được cho cháu Dương. Nhìn đôi mắt trắng đục của cháu Dung mà lòng em đau như cắt, từ lúc sinh ra đến giờ cháu vẫn chưa 1 ngày nhìn thấy ánh sáng”.
|
Dù đã 5 và 11 tuổi, nhưng các con chỉ biết nằm co quắp, gào thét một cách vô thức. Không biết ngày mai, ngày kia… số phận 2 đứa trẻ tội nghiệp này sẽ ra sao!? |
Những tiếng nức nở không ngừng, những giọt nước mắt đau đớn của người mẹ tội nghiệp, khiến không gian buổi trưa hè càng thêm ngột ngạt. Cùng chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên, cô Nguyễn Thị Ý, tổ trưởng tổ dân phố số 3 không khỏi ái ngại xót xa: “Nhà cháu Mai về đây sinh sống trên khu tập thể này cũng được 11 năm rồi. Con cái ốm đau suốt lúc nào vay được tiền thì đi viện tỉnh viện trung ương, còn đi cấp cứu trạm xá với viện huyện thì như cơm bữa. Bố mẹ anh em ở xa lại khó khăn cũng chẳng đỡ đần được gì mấy, bà con hàng xóm cũng chỉ thi thoảng cho được nắm rau hay sang bế giúp trong chốc lát. Qua đây thay mặt địa phương tôi cũng xin tha thiết kính mong mọi người giúp cho mẹ con cháu…”
Bất lực trước thực tại khiến chị Mai thẫn thờ ngồi bệt xuống nền nhà, trong nỗi đau nghẹn đắng đến quặn thắt lòng. |
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 3016 : Chị Phạm Thị Thúy Mai, khu 11, tổ 3, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ Đt: 01658 070 171 |