Tập đoàn Mercedes-Benz cho biết các nhà máy ở Đức của họ vẫn đang hoạt động mặc dù nhà sản xuất ô tô này đã buộc phải thực hiện một số thay đổi tại nhà máy ở Sindelfingen do gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này gây nên bởi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Sindelfingen, công ty sản xuất những chiếc sedan hàng đầu của nhà sản xuất ô tô đến từ Đức như S-Class, EQS, cùng với E-Class, đang tiếp tục hoạt động bất chấp tình trạng thiếu phụ tùng, một phát ngôn viên của Mercedes nói với trang tin Automotive News Europe trong một tuyên bố.
Mẫu sedan chạy điện mới EQS chịu ảnh hưởng từ quyết định giảm sản lượng. |
Mercedes cũng từ chối bình luận về những mẫu xe đã trực tiếp bị ảnh hưởng.
Mercedes đang liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp của mình "để làm việc nghiêm túc cùng nhau về các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng của tập đoàn", tuyên bố cho biết.
Các giải pháp hiện tại bao gồm việc di dời khối lượng sản xuất đến các địa điểm khác của các nhà cung cấp.
"Tình hình đang được đánh giá lại hàng ngày", tuyên bố của Mercedes-Benz cho biết. "Tính linh hoạt trong chuyển đổi sản xuất của các nhà máy cũng sẽ được sử dụng để tránh thời gian chết nhiều nhất có thể".
Nhà máy Sindelfingen. |
Cho đến nay, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Stuttgart đã vượt qua được tình trạng thiếu dây cáp và các bộ phận khác một cách tương đối suôn sẻ.
Theo một báo cáo trên tạp chí Automotive News Europe, các nhà máy của hãng ở Rastatt và Bremen đang hoạt động hầu như không có vấn đề gì trong tuần này.
Giống như các đối thủ BMW và Volkswagen, Mercedes chủ yếu lấy dây cáp từ các nhà cung cấp ở Ukraine, bao gồm cả công ty Leoni – một công ty chuyên cung cấp dây cáp tới từ Đức.
Leoni sử dụng khoảng 7.000 người tại hai cơ sở sản xuất ở Ukraine, những người hiện đang làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn.
|
Nhà cung cấp này đang tăng cường sản xuất dây cáp tại hai nhà máy của họ ở Ukraine - với các công nhân làm việc trong giờ giới nghiêm vào ban đêm và nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa. Theo báo cáo trên tạp chí Automobilwoche, kể từ đầu chiến tranh, công ty chỉ đạt 40% sản lượng thông thường.
Giám đốc điều hành của Leoni, Aldo Kamper, gần đây đã phát biểu với báo chí: “Giờ đây, chúng tôi kỳ vọng có thể hoạt động lại khoảng 60 đến 70% công suất tại Ukraine với hai ca làm việc một ngày”.
Ông cho biết, việc sản xuất cũng đang được chuyển sang các nhà máy khác ở Romania, Serbia và Bắc Phi để giảm bớt áp lực.
Tác giả: Quốc Bình
Nguồn tin: Báo Tiền phong