Mì từ xương cá ăn thừa gây sốt ở Hong Kong

Huyền Lộc
Từ xương cá còn sót lại sau bữa tiệc buffet, bếp trưởng người Hong Kong biến chúng thành món mì fettuccine xương cá hảo hạng trong nỗ lực phát triển ẩm thực bền vững.
mi-tu-xuong-ca-an-thua-gay-sot-o-hong-kong-1-1727235512.jpg
Từ những chiếc xương cá bị bỏ đi, đầu bếp Wong đã chế biến thành món mì ống sốt tôm hùm hảo hạng.


Mỗi ngày, Hong Kong (Trung Quốc) thải ra 3.300 tấn thực phẩm lãng phí - tương đương với 10 bức tượng Đại Phật trên đảo Lantau. Trước hàng nghìn tấn thực phẩm được thải ra môi trường, nhiều nỗ lực được thực hiện nhằm đổi mới phong cách ăn uống thân thiện hơn với môi trường, theo SCMP.

Trong đó, bếp trưởng Tony Wong Chi-chuen của khách sạn JW Marriott Hong Kong đã nảy ra ý tưởng biến những chiếc xương cá còn sót lại từ bữa tiệc buffet hàng ngày của khách thành món ăn.

"Đối với món cá mú đang được phục vụ ở nhà hàng, thực khách chỉ thích những phần ngon nhất, vì vậy lượng thực phẩm lãng phí khá nhiều", ông nói.

Để giảm thiếu chất thải ra môi trường, phần xương cứng còn lại được luộc để nấu súp xương cá và cà chua. Phần xương mềm không có nhiều hương vị được Wong luộc để loại bỏ vị tanh, sau đó sấy khô trong 24 giờ.

Xương giòn được xay thành bột và trộn với bột mì không chứa gluten và trứng để làm mì ống, ăn kèm với một con tôm hùm Boston nguyên con. Mỗi ngày có 20 suất mì làm từ xương cá được phục vụ tại nhà hàng Fish Bar. Chỉ có phần vảy và mắt bị vứt bỏ.

"Khách hàng bày tỏ rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi sử dụng xương cá để làm mì ống, nhiều người cho biết đây là lần đầu họ nghe về kỹ thuật này. Họ thực sự ủng hộ sáng kiến này vì tính bền vững của nó", bếp trưởng Wong chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở xương cá, Wong còn tìm cách tận dụng lớp vỏ trắng của dưa hấu làm nước ép, da cá hồi làm thành snack như khoai tây chiên, vỏ hành tây luộc nấu súp gà và nhiều loại khác.

Nhờ những nỗ lực này, bếp của khách sạn đã giảm lượng thức ăn thừa thải ra môi trường từ 40 kg/ngày xuống còn 10 kg/ngày, chủ yếu là xương, đồng thời chất thải từ quá trình chế biến hầu như đã được loại bỏ.

"Khi đi qua các bếp, tôi sẽ kiểm tra những thứ bị vứt trong thùng rác và nghĩ cách sử dụng chúng". Wong nói. "Các đồng nghiệp phụ trách quản lý rác thải của chúng tôi trước đây sẽ đến bốn lần một ngày, nhưng bây giờ họ chỉ đến một lần một ngày".

"Sử dụng nhiều hơn, thải ít hơn", ông Wong chia sẻ.