Miên man cỏ hồng

Admin
Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng, khi quyết tâm gắn bó đời mình với miền đất cao nguyên ngập tràn nắng gió này, tôi thấy mình đã quyết định đúng.

Có lẽ là bởi, tôi là người lãng mạn. Mà không lãng mạn sao được khi Tây Nguyên của chúng ta không chỉ nổi tiếng với thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ vừa kỳ vĩ, tráng lệ nhưng cũng rất đỗi trữ tình, nên thơ. Trong suốt 2 mùa mưa nắng, cao nguyên đều tươi sắc hoa. Tôi không chỉ mê mẩn sắc trắng hoa cà phê, sắc vàng tươi của dã quỳ mà còn không thể nào thờ ơ trước loài cỏ hồng miên man khắp các sườn đồi.

Cỏ hồng là một loài cỏ dại, cây nhỏ mọc lan thành đám, thành bãi. Đó là loài hoa cỏ rất đỗi bình thường, lặng lẽ giữa muôn vàn thảo mộc khác trên mặt đất nên có lẽ ban đầu, cây vẫn chưa có tên riêng. Cho đến khi, uống bao nhiêu nắng gió trên Tây Nguyên đại ngàn, cây bung nở những chùm hoa màu hồng xinh xinh, trải dài trên đất trống. Một màu hồng miên man nối tít tới chân trời. Khi đó, người ta lấy cái vẻ đẹp yêu kiều ấy mà gọi tên cỏ hồng. Cách gọi đơn giản nhưng mới chỉ nghe tên thôi đã cảm nhận được sự dịu êm, vô cùng lãng mạn.

 Đồi cỏ hồng ở xã Glar, huyện Đak Đoa. Ảnh: Nguyên Võ

Lần đầu tiên tôi biết đến cỏ hồng là khi vô tình thấy cây mọc len lỏi trong bờ rào ở một đám rẫy. Có lẽ vì chen chúc với các loại cây khác, lại chỉ là trong khuôn khổ của cái bờ rào nên cỏ không có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Cỏ thu hút tôi bởi vài chùm hoa vươn lên hồng hồng, phơn phớt. Cả chùm hoa ấy là sự kết tụ của thật nhiều bông hoa bé nhỏ, li ti, xinh xắn. Những cánh hoa tí ti, mỏng nhẹ như tơ trời. Ngắt một bông nhỏ giấu trong lòng bàn tay, khi bàn tay xòe ra cũng là khi hoa theo gió ngàn mà bay xa.

Một buổi sáng có nắng xuyên qua làn sương mỏng, tôi tìm đến xã Glar (huyện Đak Đoa), đến để làm bạn với cỏ hồng. Bao la là cỏ, miên man là cỏ, một tấm thảm nhung hồng tươi trải rộng trên bãi mênh mông. Tự hỏi với đất trời, người họa sĩ tài ba nào đã vẽ nên bức tranh phong cảnh này? Họa sĩ đã vẩy bao nhiêu mực hồng lên tờ giấy trắng, vài nét chấm phá là rừng thông xanh xa xa, là bầu trời biêng biếc, là vệt nắng bình minh hiền hòa. Tôi ngỡ như mình được bồng bềnh trong miền cổ tích, ngỡ như được trở về thuở hồng hoang nguyên sơ của đất trời.

Tôi nghĩ về lần đầu tiên nhìn thấy cây cỏ hồng bên bờ rào nhà ai và thật ngạc nhiên trước sức sống bền bỉ, kiên cường của cỏ. Nếu nhìn một vài cây đơn độc chỉ thấy sự mỏng manh, gầy guộc, yếu mềm. Nhưng như một phép màu, cỏ lan nhanh, loang rộng thành khóm, thành khoảnh rồi thành bãi trải dài loang rộng mênh mông.

Cỏ hồng mọc tự nhiên, hút nguồn nước mát, đón ánh nắng trong, vờn ngọn gió lành của cao nguyên mà lớn. Cỏ không được chăm bón, cắt tỉa như cây bonsai trong chậu cảnh, không được người người nâng niu chọn lựa để cắm trong bình, kiêu sa trong những chiếc lẵng kiểu cách, trịnh trọng trong các bữa tiệc sang trọng. Cỏ hồn nhiên nơi sườn đồi, thắp lên một màu hồng dịu nhẹ mà tươi tắn, khiêm nhường mà vẫn kiêu sa.

Mảnh đất Glar ngày thường lặng lẽ xanh màu cây lá. Ngày có sự hiện diện của cỏ, Glar bỗng nhiên được khoác áo cánh hồng lãng mạn. Những hàng thông già u tịch, trầm ngâm, khi có cỏ hồng cũng trở nên trẻ trung đến lạ. Glar ngày thường thấp thoáng người đi rừng, người làm nương làm rẫy. Những ngày có cỏ hồng, lại nhộn nhịp khách ghé thăm.

Mùa qua, màu hồng nhạt dần rồi tàn phai như lẽ tất yếu của quy luật đất trời. Thân lá già nua, lặn vào trong đất âm thầm để ấp ủ những mầm xanh. Để khi có mưa xuống, mầm non đội đất nhú lên, sinh sôi; chờ đến hẹn, mùa sang lại nhuộm hồng những sườn đồi giữa Tây Nguyên bao la lộng gió.

Tác giả: VY PHONG

Nguồn tin: baogialai.com.vn