Chiều 2-4, trao đổi với phóng viên bên lề buổi giao ban báo chí định kỳ do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đại tá Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Krông Pắk vào cuộc xác minh tất cả thông tin liên quan đến việc "chạy tiền" mới được làm giáo viên. "Không chỉ những vụ việc có đơn thư tố cáo mà các vụ việc báo chí phản ánh cũng phải được làm rõ" - đại tá Xuân nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, một lãnh đạo VKSND huyện Krông Pắk cho biết sau khi báo chí đăng tải thông tin về việc ông Phan Xuân Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê (huyện Krông Pắk), nhận tiền "chạy việc" làm giáo viên, viện đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pắk, đề nghị vào cuộc điều tra, làm rõ.
Còn theo ông Trần Trung Kiêm, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pắk, trước đó, một người thân của cô Bùi Thị Thùy Lê (nguyên giáo viên tại Trường THCS Ea Phê) đã làm đơn gửi Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Krông Pắk tố cáo ông Hạnh nhận tiền chạy việc và kèm theo các đoạn ghi âm chứng minh cho việc nhận tiền. Ngay sau đó, đơn vị này đã chuyển đơn sang cơ quan công an. Khoảng 2 ngày sau, có thể ông Hạnh biết được thông tin nên đã trả lại đầy đủ số tiền cho cô Lê.
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Krông Pắk kết luận ông Hạnh đã có hành vi nhận 210 triệu đồng để lo cho cô Lê vào làm giáo viên hợp đồng và chạy vào biên chế của trường. Hành vi của ông Hạnh có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhũng nhiễu để nhận tiền, trái với quy định của pháp luật nên cách chức chi ủy viên. UBND huyện cũng đã cách chức hiệu trưởng đối với ông Hạnh.
Các giáo viên phản ánh với báo chí về việc chi tiền mới được đi dạy |
Đáng chú ý, sau khi bắt tạm giam ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), vì nhận 300 triệu đồng "chạy việc", cơ quan công an cũng đangtrương mở rộng điều tra thêm một đường dây chạy việc làm giáo viên khác.
Trong đường dây này, một trong những nạn nhân là anh Vy Văn Hiếu (nguyên giáo viên Trường Tiểu học Phan Bội Châu - xã Vụ Bổn). Theo phản ánh của anh Hiếu, anh đưa cho bà Nguyễn Thị K. (giáo viên cấp II) 130 triệu đồng. Bà K. hứa lo chỗ dạy cho anh Hiếu nhưng không thành và cũng không trả lại tiền.
Nạn nhân khác là chị Bế Thị Thu (nguyên giáo viên hợp đồng, cùng trường) phản ánh vào năm 2014, sau khi tốt nghiệp sư phạm tiểu học, đang làm công nhân ở Bình Dương thì chị nhận được điện thoại của bà K., bảo có một suất vào biên chế với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. "Đổi lại, bà K. yêu cầu bố mẹ tôi phải đưa 135 triệu đồng. Do tin tưởng bà K. nên bố mẹ tôi đã đi vay mượn khắp nơi mới đủ số tiền này. Tuy nhiên, trong 2 lần đưa tổng số tiền 135 triệu đồng thì bà Trần Thị Đ. (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi - xã Vụ Bổn) lại là người đứng ra viết giấy vay tiền. Đồng thời, sau khi nhận đủ số tiền, bà Đ. còn ghi cho gia đình tôi một tờ giấy cam đoan lo cho đến khi tôi vào biên chế sẽ không thu tiền thêm" - chị Thu trình bày.
Còn chị Hoàng Thị Yến Vân (nguyên giáo viên cùng trường cô Thu) cũng khẳng định đã đưa số tiền 120 triệu đồng cho bà Đ. và bà K. để được vào biên chế. Trong đó, bà Đ. là người trực tiếp nhận tiền và viết "giấy cam đoan" lo vào biên chế, còn bà K. ký tên là người làm.
Đầu năm học 2017-2018, nhà trường đã mời 3 giáo viên này lên ký lại hợp đồng với mức lương khoảng 500.000 đồng/tháng nên các giáo viên này không đồng ý và nghỉ dạy.