Như vậy, so với năm 2015, số thí sinh đăng ký dự thi giảm 12%. Năm ngoái, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó tỷ lệ các thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét chứng nhận tốt nghiệp chiếm xấp xỉ 28%.
Trước đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận xét: Số học sinh chọn đại học giảm là tín hiệu tốt. Điều này thể hiện sự lựa chọn của các em đã được cân nhắc trên cơ sở năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình. Đây là bước phát triển hợp lý.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đến nay, đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT ghi nhận các địa phương chuẩn bị nghiêm túc. Công tác phối hợp của các đơn vị liên quan được chuẩn bị từ rất sớm, đến nay đã hoàn tất.
Thứ trưởng Bộ giáo dục cũng yêu cầu Ban chỉ đạo các cụm thi cần lưu ý nhu cầu chỗ trọ cho thí sinh; không để thí sinh tập trung về các thành phố dự thi mà không có chỗ nghỉ ngơi, ngủ vật vờ ngoài đường, không bảo đảm sức khỏe để làm tốt bài thi.
“Riêng thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn thanh niên các tỉnh cần có phương án hỗ trợ các em đi thi, không để em nào vì khó khăn mà bỏ kỳ thi”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, tất cả các cụm thi trong cả nước, do đại học hay sở GD&ĐT chủ trì đều được tổ chức trong một khuôn khổ, cùng quy chế và quy trình kỹ thuật giống nhau. Đặc biệt, các cụm thi này đều có sự tham gia của các trường đại học.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì. |
Tác giả bài viết: Quyên Quyên
Nguồn tin: