Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) thủy sản tháng cuối cùng của năm 2022 tuy giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng đầu năm nên ngành thủy sản đã cán đích năm 2022 với kim ngạch XK 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021. Đây cũng là mức kỷ lục của ngành sau 20 năm gia nhập thương mại thủy sản toàn cầu.
Trong đó, các mặt hàng XK chủ lực đều ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay, gồm: Tôm đạt trên 4,3 tỷ USD; cá tra hơn 2,4 tỷ USD; cá ngừ lần đầu gia nhập “câu lạc bộ” tỷ USD khi cán mốc 1 tỷ USD. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng tăng trưởng hai con số, như: Mực, bạch tuộc đạt 764 triệu USD (tăng 26%); các loại cá khác mang về 2 tỷ USD (tăng 22%)…
Xuất khẩu cá tra lập kỳ tích 2,4 tỷ USD năm 2022. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường số 1 của XK thủy sản Việt Nam khi cán mốc hơn 2,1 tỷ USD năm 2022. Riêng trong tháng 12/2022, XK thủy sản sang Mỹ đã giảm mạnh 40%.
Đáng chú ý, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hongkong lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD (tăng 57% so với năm 2021). Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. XK thủy sản sang Nhật Bản năm 2022 đạt 1,7 tỷ USD.
Các nước ASEAN cũng là điểm đến tiềm năng và thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thủy sản. Năm 2022 XK thủy sản sang ASEAN đạt 790 triệu USD. Lợi thế về vị trí địa lý và sự ổn định kinh tế của khu vực này là động lực để các DN đẩy mạnh XK. Các thị trường như EU và Hàn Quốc cũng đều ghi nhận tăng trưởng hai con số…
Theo VASEP, những thuận lợi của năm 2022 như nhu cầu cao, giá XK tăng, nguồn cung ổn định đã và sẽ không còn tiếp tục trong quý I/2023. Lạm phát ngấm sâu vào nền kinh tế các nước, khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh. Do vậy, dự báo XK quý I/2023 sẽ sụt giảm đáng kể so với quý IV và cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP.
Đặc biệt, việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch, sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho XK sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Đó sẽ là cơ hội và lợi thế cho các DN Việt Nam trong thời gian tới.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản khi XK đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức. Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch XK năm 2023.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2023 sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,74 triệu tấn (khai thác 3,58 triệu tấn; nuôi trồng 5,16 triệu tấn). Riêng sản lượng cá tra đạt khoảng 1,62 triệu tấn, tôm nước lợ 960 nghìn tấn… Kim ngạch XK thủy sản năm 2023 đạt khoảng 10 tỷ USD.
Tác giả: Cảnh Kỳ
Nguồn tin: Báo Tiền phong