“Nếu khổ quá thì về nhà đi con”

Lợi Trần
Tôi thức dậy với hai bờ mi sưng mọng. Tôi đã khóc suốt đêm qua và rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Con trai tôi vẫn đang say sưa bên cạnh. Tôi nhìn con, lòng càng rối bời.

 

Chồng tôi suốt đêm qua lại không về, như rất nhiều những đêm trước đó. Anh không còn lén lút giấu giếm kể từ khi tôi phát hiện ra anh ngoại tình. Thậm chí anh còn công khai trắng trợn: “Tôi ngoại tình đấy, cô có dám bỏ tôi không?”.

Dĩ nhiên anh ấy có cớ để cao ngạo thách thức tôi. Vì tôi đã bỏ cha bỏ mẹ đi theo anh ấy mà không cần cưới xin. Tôi cứ tưởng mình làm như thế là vì tình yêu, là sẵn sàng chấp nhân thiệt thòi vì tiếng gọi con tim, hóa ra chỉ toàn là ảo tưởng.

Anh từng chịu án tù vì tội “vô ý làm chết người” trong một cuộc ẩu đả. Ra tù, anh bị mọi người xa lánh, sống khép kín. Thái độ trầm tư có phần cam chịu khổ sở của anh lại khiến tôi động lòng. Tôi từng học chung với anh hồi cấp hai, biết anh có tính ngỗ nghịch. Trải qua giai đoạn khó khăn như vậy chắc đã khiến anh thay đổi, đã chín chắn hơn trong suy nghĩ. Tôi không thể hiện cảm tình rõ rệt nhưng anh cảm nhận được điều đó và chủ động mở lòng chia sẻ với tôi mọi thứ. Tôi từ đồng cảm, thương rồi yêu anh.

Cha tôi gần như phát điên khi biết đứa con gái yêu của mình đang qua lại với một kẻ vừa ra tù. Tôi là đứa con gái ngoan và được ông đặt nhiều kì vọng nhất nhà. Tôi cũng là đứa duy nhất trong ba chị em học đến Đại học. Cha tôi luôn tự hào về tôi, về việc tôi có thể có một công việc tốt hơn là làm công nhân như anh chị mình rồi sau đó có một tấm chồng đàng hoàng tử tế cho ông nở mày nở mặt, yên tâm về cô con gái út.

Ông cho rằng cái án tù kia là một vết nhơ, càng không chấp nhận tôi yêu một kẻ lông bông không tiền đồ sự nghiệp. Ông đã nói chuyện với tôi rất nhiều, cả nặng cả nhẹ, vừa thủ thỉ vừa quát mắng, rằng “đời người con gái quan trọng nhất là có một tấm chồng tốt, đừng bốc đồng kẻo hủy hoại cả cuộc đời mình”. Cha tôi còn nói nếu tôi không nghe lời thì ông coi như không có đứa con gái như tôi.

Tôi không nghe lời cha tôi. Tôi đã bị những lời ngọt ngào làm cho mông muội. Một ngày mùa đông tôi gói ghém quần áo trốn khỏi nhà theo anh ra thành phố. Hai đứa ra đi tay trắng tay. Hành trang tôi mang theo lúc đó chỉ là niềm tin về tình yêu và tấm bằng đại học mới nhận.

Tôi xin được một chân kế toán ở một doanh nghiệp nhỏ, công việc kiêm nhiệm nhiều nhưng thu nhập thấp. Chồng tôi ngày nào cũng ra khỏi nhà, nói tìm việc này việc nọ. Chúng tôi có quãng thời gian khó khăn nhưng hạnh phúc vì tôi được anh chăm nom. Tôi có thai, niềm vui như ánh lên trong mắt chồng. Anh nói anh sẽ dùng cả đời mình đền đáp tình yêu của tôi, bù đắp sự thiệt thòi của tôi.

Những lời nói ấy hãy còn như mới hôm qua, vậy mà anh ấy đã thay lòng. Con trai tôi còn chưa đầy ba tuổi anh đã cặp kè với người đàn bà khác. Một bà cô góa chồng, lắm tiền nhiều của có thể bao anh những cuộc vui. Anh nói anh “hi sinh cặp với gái già để có tiền cho mẹ con tôi sung sướng, biết điều thì im lặng mà tận hưởng,còn không mất chồng ráng chịu”.

Anh ta biết tôi thân cô thế cô nơi thành phố này. Ngày xưa tôi dám bỏ nhà theo anh, giờ lại có thêm đứa con chắc chắn sẽ không dám trở về nhà. Ba năm qua tôi cũng không hề liên lạc xem ở nhà như thế nào. Tôi sợ, tôi không dám. Tôi nghĩ chỉ cần mình sống tốt, sống hạnh phúc, sau này về chắc cha mẹ cũng sẽ bỏ qua.

Tôi nghĩ lại mấy năm qua cùng anh cực khổ. Nghĩ lại đời con gái của mình, niềm kiêu hãnh nhất là được mặc áo cô dâu lên xe hoa cũng không có. Nghĩ lại cha mẹ tôi nuôi lớn tôi, đến miếng giầu của người ta cũng không được nhận. “Cá không ăn muối cá ươn”, tôi cứ ảo tưởng về tình yêu, tôi mơ mộng quá nhiều. Tôi tưởng cuộc sống này chỉ cần tình yêu thôi thì khó khăn nào cũng vượt qua được, hóa ra đó chỉ là thơ ca, là bài hát. Tôi được học nhiều nhất nhà nhưng suy nghĩ lại nông cạn và ngu ngốc nhất nhà. Càng nghĩ tôi càng khóc to hơn. Tôi khóc suốt đêm và thức dậy với bờ mi sưng húp.

Tôi cầm điện thoại, run run bấm số. Tôi muốn nghe giọng bố tôi. Đã lâu như vậy rồi, không biết mọi người có kiếm tìm tôi không hay là giận đến mức tôi sống chết ra sao mặc kệ. Rất nhiều lần mẹ, rồi anh chị, rồi bạn bè của tôi gọi điện, tôi đã phải thay số mới đi. Tôi sợ mẹ tôi sẽ lên tận nơi kéo tôi về.

“Alo” - Tôi nghe giọng bố tôi đầu dây bên kia, giọng ông không có gì thay đổi. Tôi im lặng rồi bật khóc, cứ thế khóc như một đứa trẻ.

- Bông phải không con? Đừng khóc nữa, nếu khổ quá thì về nhà đi con.

Trước khi tắt điện thoại tôi vẫn kịp nghe giọng bố hỏi dồn. Với bố tôi, tôi vẫn là con bé Bông bé bỏng ngày nào, hễ khóc là mách cha, hễ khóc là tìm đến cha để được vỗ về an ủi. Trên đời này chỉ có cha mẹ là luôn bao dung với lỗi lầm của con, chỉ có cha mẹ là sẵn sàng dang tay ra khi con cái ở ở đường cùng của bế tắc và tuyệt vọng. Còn con cái thì chỉ luôn khiến họ đau lòng vì sự bồng bột và ích kỉ của bản thân.

Tôi quyết định nhét quần áo vào túi xách, ôm thằng bé con vẫn còn ngái ngủ: “Mẹ con mình về ông bà ngoại nhé”. Thằng bé mở mắt, hí hửng vì nghĩ được đi chơi. Tôi bế con ra khỏi căn nhà trọ đã gắn bó hơn ba năm qua, người người đã ngược xuôi trên đường, bình minh đang dần ló rạng.