Ngân hàng siết cho vay bất động sản, tín dụng năm nay sẽ "giảm tốc"

Admin
Mặc dù nhiều ngân hàng đang có biểu hiện dư thừa tiền nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng lại đang có dấu hiệu bị “hãm phanh”. Các ngân hàng có xu hướng siết tín dụng ở những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Ngân hàng đang dư thừa vốn?

Theo số liệu vừa được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) công bố, 6 tháng đầu năm 2018 vốn huy động của hệ thống TCTD đang tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 6,8%.

Trước đó, tính đến hết quý I, tăng trưởng huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế mới chỉ đạt 3%. Như vậy, trong quý II, huy động vốn từ khu vực này đã tăng vọt.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%). Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực nông lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định. Dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.

 Tín dụng năm nay dự báo sẽ giảm tốc so với năm ngoái

Trong một số liệu khác mới được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết mới đây thì tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,88% trong khi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoài (9,06%).

Cùng với những con số thống kê này, những tháng đầu năm các ngân hàng dường như cũng có những biểu hiện của việc dư thừa vốn. Các ngân hàng không còn đua tăng lãi suất như hồi cuối năm ngoái nữa, thay vào đó, liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức giảm từ 0,2 – 0,5%.

Đầu ra tăng chậm, vì sao?

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Thống kê dự báo, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy trong năm 2018, các tổ chức tín dụng chỉ kỳ vọng tín dụng tăng 16,7%. Con số này thấp hơn 1,47% so với mức tăng tín dụng năm 2017. Còn nếu so với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong năm 2018 là 17%, mức tăng trưởng tín dụng kỳ vọng thấp hơn khoảng 0,3%.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng được dự báo sẽ tăng chậm hơn so với năm ngoái là do chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cũng như định hướng của các ngân hàng là siết tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, do các thị trường này đã tăng trưởng quá nóng trong thời gian qua. Tính đến hết quý I-2018, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 3,65% trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt tới 7,34%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), hiện các ngân hàng thương mại tỏ ra thận trọng hơn khi cho vay những lĩnh vực rủi ro cao như cho vay mua nhà và cho vay đầu tư bất động sản. Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà tăng khoảng 1% - 2% còn lãi suất cho vay chủ đầu tư tăng khoảng 0,5%.

Đồng thời, cũng theo quan sát, nhiều ngân hàng đã có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị bất động sản.

Ngoài việc siết tín dụng những lĩnh vực rủi ro thì việc đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng không phải “nói là làm”, bởi thực tế hiện nay “sức khỏe” của các doanh nghiệp cũng chưa thực sự được cải thiện. Do đó dù doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng thừa tiền nhưng cung – cầu vẫn chưa thể gặp nhau hoàn toàn.