Một nhân viên văn phòng ở New York đang chuẩn bị cho giấc ngủ trưa. Ảnh: AFP. |
Thay vì uống cà phê hay nước tăng lực, ngày càng nhiều người New York chọn cách ngủ một giấc ngắn giữa ngày làm việc căng thẳng để lấy lại tỉnh táo. Một số còn trả tiền cho các cơ sở cung cấp dịch vụ ngủ trưa, theo AFP.
Nap York là một trong số các cơ sở cung cấp dịch vụ chợp mắt cho dân New York. Công ty khai trương ba tháng trước, trong một tòa nhà ba tầng gần ga Penn, giá 12 USD cho một giấc ngủ dài 30 phút trong khoang gỗ, mở cửa cả ngày lẫn đêm.
"Chúng tôi muốn thỏa mãn mọi người New York đang kiệt sức. Thật khó để tìm thấy yên tĩnh trong thành phố này", giám đốc tiếp thị Stacy Veloric cho hay.
Cơ sở ban đầu có 7 cabin, nhưng cầu nhanh chóng vượt quá cung, khiến họ phải tăng số lượng khoang lên 22. Họ sắp triển khai dịch vụ ngủ võng trên mái nhà, có giá 15 USD cho nửa giờ ngủ.
Tình trạng thiếu ngủ ở người Mỹ có thật. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, một phần ba người dân nước này ngủ ít hơn mức cần thiết.
Chỉ 24% người dân New York ngủ đủ 8 tiếng hoặc hơn, gần 50% ngủ 6 tiếng hoặc ít hơn, theo một cuộc khảo sát toàn bang của Đại học Siena. Thiếu ngủ gây mệt mỏi, hiệu suất làm việc thấp, kém tập trung. Nó sẽ gây tổn thất 411 tỉ USD lên nền kinh tế Mỹ, tương đương 1,23 triệu ngày làm việc một năm, theo nghiên cứu của Rand Corporation năm 2016.
'Đáng giá'
Laura Li, 28 tuổi, biên tập viên của một công ty du lịch, là người thích ngủ khoảng 35 phút hơn là dùng cà phê. Cô thường tới YeloSpa, một khu trị liệu xa xỉ nằm trên Đại lộ Số Năm đối diện Tháp Trump. Li bước vào một khoang lục giác nhìn giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nằm lên giường treo ở vị trí không trọng lực, đầu gối cong lại, chân nâng lên để hạ nhịp tim gây cảm giác buồn ngủ.
35 phút sau, cô sẽ được đánh thức bởi "mặt trời mô phỏng", Maya Daskalova, quản lý của YeloSpa nói. Còn giá của nó ư? Một đôla một phút, tối thiểu 20 phút và tối đa 40 phút.
"Tôi hay đến đây vào những ngày nhiều việc để nạp thêm năng lượng cho buổi chiều", Li giải thích. "Tôi không thích uống cà phê nên thường cảm thấy mệt mỏi, không thể làm nổi việc gì, ngoài chợp mắt một lát".
Laura Li ngủ tại YeloSpa. Ảnh: AFP. |
Li không kể với đồng nghiệp chuyện đi ngủ trong giờ trưa, nhưng có tâm sự với bạn bè và khiến họ bối rối vì khái niệm trả tiền để đi ngủ.
"Có thể họ cho rằng chuyện này lãng phí thời gian, tiền bạc", Li thừa nhận. "Nhưng miễn tôi còn đủ năng lực chi trả, thì nó còn đáng giá. Tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn sau khi ngủ trưa, thế là đủ".
Daskalova nhận thấy khách hàng dần tăng lên và tin rằng, quan điểm với ngủ trưa trong văn hóa người dân Mỹ đang thay đổi. "
Chuyển biến mang tính thế hệ
Ai muốn ngủ trưa? Đó là những người có thời gian làm việc dài, hoặc làm việc ở nơi xa nhà muốn nghỉ ngơi trước khi vào ca đêm. Đó có thể là phụ nữ mang thai đang mệt mỏi, những người bố mẹ có con nhỏ thường xuyên bị mất ngủ.
Năm 2004, Christopher Lindholst đã sáng lập MetroNaps, công ty thiết kế mô hình khoang ngủ hiện đại cho một giấc ngủ ngắn. Ông lắp đặt vài cái trong Tòa nhà Empire State ở New York tới khi buộc phải dỡ bỏ vì lý do an ninh, sau đó tập trung bán hàng cho các công ty, bệnh viện, trường đại học và sân bay. Google và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng là khách hàng của ông.
"Thái độ của người dân đã thay đổi đáng kể trong 15 năm qua. Họ ý thức được nhiều hơn về tầm quan trọng và lợi ích của giấc ngủ", Lindholst nói.
Nhưng trong một thành phố có ngày làm việc dài nhất ở Mỹ, bao gồm cả thời gian di chuyển, Lindholst cho rằng sẽ cần một thế hệ để xóa đi sự kỳ thị về quan niệm ngủ trưa là lười biếng.
"Chúng tôi luôn lập luận rằng thời gian nghỉ rất ngắn, chỉ 10 tới 20 phút, giống như nghỉ giải lao để làm một chầu cà phê hay điếu thuốc tại New York", ông giải thích.
Arianna Huffington nghỉ trưa tại khoang ngủ trong văn phòng. Ảnh: AFP. |
Một khoang ngủ MetroNaps được lắp đặt trong văn phòng của Thrive Global tại tòa nhà Soho. Đây là một dự án khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe do Arianna Huffington, tác giả cuốn sách "Cách mạng giấc ngủ" bán chạy nhất năm 2016, đồng thời là người sáng lập tờ Huffington Post.
Cuốn sách kêu gọi chấm dứt "ảo tưởng mà chúng ta cần phải đánh đổi để có thành công". "Chúng ta đang ở giữa sự chuyển biến về văn hóa, một trong số đó là ngày càng nhiều người trong chúng ta đang từng bước ý thức được tầm quan trọng của giấc ngủ", Huffington viết.