Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến sáng nay với 63 tỉnh thành, sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011-2015, triển khai CCHC 2016-2020, Thủ tướng nhận định bộ máy hành chính vẫn đang quá cồng kềnh, kém hiệu lực hiệu quả, cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, quan liêu, không sát dân, không phục vụ được sự phát triển…
"Từ những yếu kém, tồn tại đó, Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ nền hành chính, từ công tác cán bộ đến phương pháp làm việc, điều hành", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung đánh giá tình hình, tìm ra giải pháp, nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc, vướng mắc trong bộ máy, trong cán bộ, trong hệ thống hành chính công, trong tiền lương.
"Thứ hai là để xây dựng CP kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, ở CP trung ương thế nào, ở các cấp các ngành, địa phương đến tỉnh, huyện, xã nơi trực tiếp với dân có chuyển biến không", Thủ tướng nói.
"Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng anh nói đúng cái còn tồn tại, nhưng có đem lại chuyển biến không. Thủ tướng nói thế thôi chứ ở dưới khác lắm, đó là khâu yếu của chúng ta, phải có hành động cụ thể".
Thứ ba, CCHC có nhiều nội dung, nhưng theo Thủ tướng, quan trọng là cán bộ phải liêm chính, phục vụ nhân dân.
"Bây giờ 2 triệu mấy người hưởng lương ngân sách, trong đó 2 triệu là viên chức, vậy khâu xã hội hóa đã được đặt ra mạnh mẽ chưa, nâng cao chất lượng phục vụ, tự trang trải kinh phí, nhà nước chỉ giữ những lĩnh vực quan trọng, tinh giản biên chế, từ đó nâng lương cho cán bộ công chức viên chức", Thủ tướng nói.
Đề nghị hội nghị hiến kế để thực hiện CCHC thành công, mạnh mẽ, cụ thể hơn, đặc biệt là xây dựng CP điện tử, Thủ tướng cũng nhấn mạnh công chức từ cấp xã huyện trở lên, viên chức y tế giáo dục đều nhận lương từ tiền thuế của dân, phải có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát từ các cơ quan dân cử.
Ngân hàng Nhà nước, Đà Nẵng đứng đầu
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ cũng công bố kết quả xếp hạng cải cách hành chính PAR Index 2015.
Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu trong 19 bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp ngay sau là Bộ Tài chính.
Bộ Giao thông Vận tải, sau 2 năm liên tiếp 2013-2014 đứng đầu đã tụt xuống vị trí thứ 3.
Các bộ có sự tiến bộ đáng kể là Y tế, Giáo dục Đào tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Về phía các địa phương, Đà Nẵng giữ vững phong độ, tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ 4 liên tiếp. Hải Phòng cũng duy trì vị trí thứ hai.
Đồng Nai vươn lên vị trí thứ 3, trong khi Hà Nội tụt xuống vị trí thứ 9.
Đứng 3 vị trí cuối trong 63 tỉnh thành là Kon Tum, Cao Bằng và Điện Biên.
Các tỉnh có tiến bộ là Gia Lai, Vĩnh Long, Hà Nam, Bắc Kạn. Các tỉnh giảm là Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Hưng Yên.
Tác giả bài viết: Chung Hoàng