Nguyên đại úy cảnh sát cơ động hầu tòa vì lừa đảo

Admin
Huy ra giá mỗi hồ sơ tuyển dụng vào ngành công an là 160 triệu...

Ngày 2-8, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ Trần Hoàng Huy (nguyên đại úy công an, 38 tuổi) bị truy tố về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 Bị cáo Huy tại tòa ngày 2-8. Ảnh: NN

Sau nửa ngày xét xử, tòa đã quyết định hoãn xử trả hồ sơ điều tra bổ sung do xuất hiện một số tình tiết mới cần được làm rõ. Cụ thể tại tòa, bị cáo Huy thừa nhận hành vi của mình là sai và chỉ chiếm đoạt của các bị hại số tiền 820 triệu (hiện đã khắc phục xong). Bị hại Hùng, cũng là người liên quan, có lời khai thể hiện việc sau khi nhận hồ và tiền đưa cho Huy có biết hành vi gian dối của Huy nhưng đã không tố giác mà tiếp tay cho Huy lấy tên giả làm cam kết để tiếp tục hứa hão với các bị hại khác…

Theo cáo trạng, năm 2005, Huy công tác tại Trung đội lái xe Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ. Đến Tháng 8-2016, Huy chuyển công tác về Công an phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ngày 15-7-2017, Huy có Quyết định của Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho xuất ngũ với cấp hàm đại úy.

Khoảng năm 2012, khi công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, Huy có hùn tiền kinh doanh mua bán thuốc tây. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên phải vay tiền của nhiều người với lãi suất cao để trả tiền nợ, lãi.

Đến khoảng đầu năm 2015, Huy không còn khả năng chi trả nên lợi dụng mình đang công tác trong ngành công an, biết nhiều người có nhu cầu xin vào ngành, Huy đã đưa ra các thông tin gian dối là Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ đang thành lập bệnh xá nên cần tuyển dụng công dân vào lực lượng Công an nhân dân với các chuyên ngành y, dược, kế toán, công nghệ thông tin…

 Bị cáo Huy chờ tòa hội ý trước khi thông báo trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ảnh: NN

Cụ thể, qua quen biết, Huy biết Trần Thanh Hùng rất thích vào ngành công an nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Hùng bằng thủ đoạn nêu trên.

Huy nói, sau thời gian tạm tuyển 6 tháng sẽ chính thức vào biên chế, chi phí vào ngành là 160 triệu đồng/hồ sơ, khi nộp hồ sơ đưa trước 70 triệu, khi có quyết định chính thức đưa nốt số còn lại...

Sau đó, Hùng giới thiệu bạn mình cho Huy và ra “giá” tuyển dụng là 300 triệu. Hùng đưa cho Huy 160 triệu, hưởng chênh lệch 140 triệu. Bạn của Hùng đi làm lại giới thiệu thêm hai người khác với “giá” 350 triệu/người. Bạn Hùng đưa cho Hùng 600 triệu, hưởng chênh lệch 100 triệu.

Hùng còn môi giới thêm hai người khác cho Huy với giá 300 triệu/người và hưởng chênh lệch 160 triệu/người.

Đến cuối tháng 12-2016, Huy nói Hùng đưa thêm mỗi người 10 triệu/hồ sơ để lãnh đạo làm chi phí đi Hà Nội nhận quyết định về. Hùng lấy của năm người tổng cộng 40 triệu nhưng không đưa cho Huy.

Tổng số tiền sáu bị hại bị chiếm đoạt là 1,71 tỉ đồng. Quá trình điều tra, Huy thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng chỉ thừa nhận đã chiếm đoạt tổng cộng 820 triệu. Hùng hưởng chênh lệch 720 triệu, bạn Hùng hưởng chênh lệch 100 triệu.

Tháng 11-2016, do chưa có quyết định tuyển dụng nên các bị hại hối thúc thì Hùng đến gặp Huy. Huy đưa ra nhiều lý do. Sau đó, Huy làm giả hai quyết định của Bộ Tư Lệnh Cảnh sát cơ động về việc tuyển dụng đưa cho Huy, mỗi quyết định có tên ba người. Ngoài ra, Huy còn kêu Hùng viết giấy cam kết lấy tên giả là Từ Huy Cường, cấp hàm đại úy, công tác Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, trong thời gian 22 ngày kể từ ngày 3-1-2017 sẽ có quyết định chính thức đưa cho các bị hại…

Do đến hẹn, các bị hại không được bố trí công việc, nghi ngờ bị lừa nên đã tố giác sự việc ra công an.

Quá trình điều tra, Công an xác định, Hùng và bạn Hùng cũng là bị hại, nhận hồ sơ của các bị hại khác giao cho Huy để hưởng chênh lệch mà không có bàn bạc trước với Huy. Do đó, hành vi của Hùng và bạn Hùng chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.