Nhật ký thời xưa đầy cảm xúc của cụ ông khiến ai đọc xong cũng thấy ấm lòng

Admin
Những trang nhật ký thời tuổi trẻ của cụ ông chỉ trong thời gian ngắn đã nhận về hơn 4 nghìn lượt tương tác và hơn 1 nghìn lượt chia sẻ.

Trên một hội nhóm mạng xã hội mới đây xuất hiện những dòng nhật ký trong 4 cuốn vở cũ ngả màu đã để lại nhiều cảm xúc cho những ai vô tình đọc được. Nội dung trang nhật ký được viết bởi một cụ ông từng có năm tháng thanh xuân trải qua thời chiến và được chia sẻ lại bởi người cháu của ông.

4 cuốn vở tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng từng trang giấy vẫn hiện rõ từng nét chữ dứt khoát với cách hành văn đầy cảm xúc.

 4 quyển nhật ký in hằn vết tích thời gian.

Theo chia sẻ của người cháu, những trang nhật ký được viết từ cuối năm 1961 đến năm 1969, thời điểm ông công tác xa quê hương. Trong đó, từ năm 1961 đến 1968 là những tâm tư viết chủ yếu về tình cảnh đất nước khi vẫn đang trong loạn lạc, nỗi nhớ nhà và bạn bè, và đến năm 1969 có thêm nỗi nhớ “em yêu” - cách gọi thân mật của ông dành cho vợ mình.

 

 

 Những trang nhật ký được người ông tỉ mỉ chăm chút đầy trân quý.

Từng dòng chữ gửi gắm biết bao xúc cảm, thương nhớ, buồn giận… gián tiếp khắc họa bức tranh về thời đó cùng sống động nhưng cũng đầy chất thơ được nhiều bạn trẻ phải xuýt xoa, ngợi khen như đang đọc một tác phẩm văn học.

 

“20/11/196. Được về tranh thủ sống 2 đêm 1 ngày ở quê hương. Hôm nay lại trở về trường. Sính - người bạn vô cùng thân thiết - đã ân cần tiễn đưa mình tới tận bến sông. Sao mà lưu luyến, sao mà nghẹn ngào khó nói. Phải chăng tình bạn giữa 2 đứa đã có từ lâu với sợi dây thân tình không thể dứt bỏ được?”

 

“30/7/1968. Mấy ngày nay trời oi bức ghê gớm, nhưng chiều nay lại mưa gió dữ dội. Thiên nhiên có lúc phũ phàng, nhưng bây giờ ở đây thì lại tốt. Mẹ kính yêu, ngoài trời kia có bao nhiêu hạt mưa a, con nhớ thương mẹ bấy nhiêu trong lòng. Chắc mẹ giờ này cũng đang nhớ thương con…?

 

“15/7/1962. Sáng nay còn ở Hà Nội, mà chiều đã có mặt tại quê nhà. Quê hương tươi đẹp biết bao, âu yếm biết bao. Cảm ơn người đã cho tôi ra đời và lớn lên với gia đình thân yêu! Gia đình hạnh phúc lại càng đầm ấm bội phần (khi) ngày 28/6/1962, mẹ đã sinh em trai thứ 5.”

Bên cạnh những trang giấy lưu lại những sự kiện diễn ra trong ngày tháng chiến tranh, tình cảm của người ông gửi gắm đến với bạn gái/vợ mình là một trong những điều khiến người đọc vô cùng ấn tượng.

Cái thời phương tiện liên lạc vẫn còn khó khăn, lần gặp gỡ đếm trên đầu ngón tay, nhưng tình cảm của hai ông bà không chỉ nhạt phai mà khắng khít đến tận khi tóc bạc, mắt mờ. Càng đọc lại càng khó lòng kiềm được sự ngưỡng mộ dành cho mối tình “thời ông bà” của cụ ông.

 Những dòng thơ ông làm tặng bà.

“27/1/1969

Thư gửi Em đã một tuần rồi

Sao nay vẫn chưa thấy thư hồi?

Có phải đường thư đi trắc trở?

Hay là Em còn nghĩ xa xôi?

Em ạ, lòng anh đã quyết rồi

“Yêu em” chỉ có vậy mà thôi

Yêu em giờ đã thành chân lý

Soi sáng lòng anh ánh mặt trời.”

 “21/2/1969. Một ngày nữa được sống với em yêu - vợ chưa cưới. Cảm ơn em đã hết lòng vì anh. Và anh cũng sẽ hết lòng thương yêu em mãi mãi.”

 

"...Em hãy yên tâm, anh không trách em đâu và không có ý nghĩ gì khác ngoài một điều duy nhất là yêu em. Tình yêu của chúng ta sẽ vĩnh viễn tươi xanh như cây rừng nhiệt đới. Tình yêu của chúng ta sẽ mãi mãi rực rỡ như ánh nắng. Chúc em khỏe và gửi tới em tấm lòng yêu thương tha thiết của anh...”

Cùng với một tấm lòng hết mình vì đất nước, ngóng trông về quê hương, gia đình và người vợ dấu yêu, tình cảm thương mến của ông dành cho những người bạn chí cốt cũng hiện lên rất chân thành. Được biết, đến khi về già, tình bạn giữa ông và người bạn tên Đỉnh vẫn luôn thân thiết như ngày còn đôi mươi.

9 năm của người ông gói gọn trong 4 quyển nhật ký giờ đây trở thành gia tài quý giá của không chỉ con cháu trong nhà, mà còn là tài liệu hiếm hoi để giới trẻ ngẫm đọc khi nhìn lại về một thời quá khứ đầy thăng trầm của dân tộc.

 

"...Các bạn! Giờ đây chúng ta mỗi đứa ở một phương, một cuộc sống khác nhau. Tuy thế tình cảm của chúng ta vì vậy lại càng thiêng liêng hơn cả. Chúng ta xa cách nhau bởi nhiều lý do, nhưng một lý do lớn nhất vẫn là chiến tranh... Riêng mình, mình mong sao chiến tranh sớm chấm dứt và những niềm vui khao khát của tình bạn chúng ta sẽ trở thành hiện thực. Mong sao đừng có những điều rủi ro và một ngày đoàn tụ sẽ đến với chúng ta. Chúc các bạn hạnh phúc!”

Tác giả: CERSEI

Nguồn tin: Báo VTC