Ngày 20/7, phát biểu tại Hội nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu vấn đề, nếu như trước đây hàng giả tập trung vào các nhóm có giá trị cao thì hiện tất các nhóm hàng đều có tình trạng giả mạo thông tin ở bao bì nhãn mác.
"Nhiều người lợi dụng cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã gắn mác một số hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam, như bánh kẹo, bóng đèn, quần áo", ông Sơn nói.
Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng Bùi Đức Hạnh thông tin, mặc dù tình hình phạm tội ở biên giới có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn cả về quy mô, tính chất.
Theo ông, tuyến biên giới Việt-Trung nổi lên hoạt động mua bán trái phép các loại ma túy, tiền giả, pháo nổ, quần áo may sẵn... Tuyến biên giới Việt-Lào thì có buôn lậu gỗ, rượu ngoại, ma túy với trọng điểm ở các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.
Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia có buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền Việt, ngoại tệ, vàng, thuốc lá, đường cát. Địa bàn trọng điểm là: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Long An, An Giang...
Nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng buôn lậu trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh An Giang phân tích điểm mấu chốt mà buôn lậu tồn tại được là "các lực lượng chức năng ra quân thì buôn lậu biết hết, nhưng buôn lậu làm gì thì mình không nắm được". Bên cạnh đó là lợi nhuận từ buôn lậu còn cao, nên việc chống không đơn giản.
“Lấy kinh tế đánh kinh tế, không nên đấu giá đường, vì buôn lậu sẽ mua để lấy hoá đơn quay vòng; mở rộng cho nhiều lực lượng khác được bắt giữ buôn lậu, tăng tiền thưởng lên 50% giá trị tài sản bắt được và cơ chế khen thưởng nhanh chóng”, lãnh đạo An Giang kiến nghị.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo sáng 20/7. |
Nhiều hình thức buôn lậu tinh vi
Theo thông tin tại hội nghị, các ổ nhóm buôn lậu thường lợi dụng địa hình hiểm trở, hẻo lánh để tập kết hàng hóa, sau đó chia nhỏ và vận chuyển qua các con đường mòn. Khi xuất nhập cảnh, hàng lậu được trà trộn trong đồ đạc, hành lý. Các phương tiện vận tải thì được gia cố vách ngăn, hầm bí mật để chứa hàng lậu... Thời gian qua, một số đường dây buôn lậu đã mua chuộc du học sinh, lao động nghèo tham gia vận chuyển hàng cấm.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Huỳnh Cách Mạng cho hay, những người cầm đầu đường dây buôn lậu thường không xuất hiện mà chỉ giao cho thân tín cấp dưới hoạt động.
"Nhiều người thành lập công ty ma, thuê người đứng tên làm giám đốc để thực hiện hành vi buôn lậu với quy mô lớn. Khi hàng hóa về Việt Nam thì thuê các công ty giao nhận làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì chủ mưu sẽ dễ dàng bỏ trốn", ông Huỳnh Cách Mạng nói.
Thay thế người đứng đầu nếu tiếp tay cho buôn lậu
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
"Các cơ quan cần tăng cường thanh tra trách nhiệm, công vụ, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là khâu bổ nhiệm, điều động", Phó thủ tướng nói và yêu cầu bộ ngành, địa phương có quy định cụ thể việc điều chuyển, thay thế những người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Phó thủ tướng cũng giao lực lượng chức năng rà soát các vụ việc nổi cộm, được dư luận chú ý, "nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý".
Trong 6 tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 88.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với 2016). Hơn 1.000 vụ với gần 1.400 đối tượng đã bị khởi tố. Điển hình là vụ bắt 2 đối tượng vận chuyển trái phép 30 bánh heroin và 45 kg ma túy tổng hợp tại Nghĩa Hưng, Nam Định; vụ bắt giữ 26 kg sừng tê giác, 6 kg ngà voi tại Hà Nội... |