Nhịn ăn gián đoạn là kiểu ăn kiêng trong đó người thực hiện dùng thoải mái tất cả các bữa trong ngày gói gọn trong một khung thời gian cố định. Khoảng thời gian còn lại, họ hoàn toàn không ăn gì, chỉ uống nước.
Người thực hiện có thể chọn phương án "thư thả" như 12/12 (ăn các bữa trong 12 giờ, nhịn 12 giờ), hoặc nghiêm ngặt hơn là 14/10 (ăn trong 10 giờ, nhịn 14 giờ) và nghiêm ngặt nhất là 16/8 (ăn trong 8 giờ, nhịn 16 giờ).
Ảnh minh họa
Khoảng thời gian nhịn trong ngày càng dài, tác dụng giảm cân, kiểm soát đường huyết... được cho là càng hiệu quả. Trước đó, một số nghiên cứu cũng chứng minh chế độ ăn gián đoạn mang lại ích lợi cho một số trường hợp, bao gồm cải thiện mức insulin ở bệnh nhân tiểu đường.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu sơ bộ công bố mới đây tại Phiên họp Khoa học lối sống EPI của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các nhà khoa học đã chỉ ra những vấn đề đang lo ngại khi thực hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn.
Rủi ro khi nhịn ăn gián đoạn
Chia sẻ với Live Science, GS Christopher Gardner từ Đại học Stanford (Mỹ), một trong những tác giả của nghiên cứu, cảnh báo: “Việc thực hiện chế độ ăn gián đoạn 16/8 nghiêm ngặt có thể khiến người thực hiện rơi vào tình trạng ăn uống kém chất lượng”.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 20.000 người trong vòng 8 năm. 414 người trong số đó cho biết họ ăn trong khoảng thời gian 8 giờ hoặc ít hơn mỗi ngày.
“Những người người hạn chế thời gian ăn trong vòng 8 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn và không sống lâu hơn”, Tác giả chính của nghiên cứu Victor Wenze Zhong - Giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại Trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết.
Cụ thể, những người nhịn ăn gián đoạn 16/8 có nguy cơ tử vong vì tim mạch cao hơn đến 91% so với người ăn uống bình thường.
Riêng với những người đang có sẵn bệnh tim mạch, ăn theo chế độ 16/8 và 14/10 hoặc giữa 2 khoảng này cũng có nguy cơ tử vong do bệnh tim hay đột quỵ cao hơn 66%.
Trong khi đó, những người mắc bệnh ung thư cũng có khả năng tử vong cao hơn so với những bệnh nhân ung thư ăn ít nhất 16 tiếng mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Số liệu trong nghiên cứu cũng cho thấy, những người nhịn ăn gián đoạn 16/8 có lượng cơ nạc ít hơn so với người ăn nhiều tiếng hơn trong ngày. Kết quả này cũng trùng với một thử nghiệm lâm sàng trước đây được xuất bản trên tạp chí nội khoa JAMA Internal Medicine thuộc Hiệp hội Y học Hoa Kỳ.
"Ngoài yếu tố về thẩm mỹ, cơ bắp còn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề sức khỏe khi về già. Cơ bắp giúp người già khỏi té ngã và tránh bị tật, đồng thời tăng cường trao đổi chất. Lượng cơ ít cũng có liên quan tới tỷ lệ tử vong, trong đó nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn", ông Zhong cho biết thêm.
Tuy vậy, phân tích vẫn chưa chỉ ra cụ thể cơ chế gây ra điều này. Các tác giả cho biết họ vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ toàn cảnh các tác động của kiểu ăn kiêng này đến cơ thể.
Ngoài nguy cơ gây bệnh tim mạch cao hơn, nhịn ăn gián đoạn vẫn có thể dẫn đến tăng cân. Nhịn đói trong thời gian dài có thể khiến một số người ăn uống vô độ sau đó. Việc ăn nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể khiến lượng mỡ tăng lên, ngay cả sau chu kỳ nhịn ăn liên tục 12 - 16 giờ mỗi ngày.
Nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường huyết, gây ra cảm giác choáng váng, chóng mặt, đau đầu và buồn nôn.
Bên cạnh đó, việc hạn chế lượng thức ăn dung nạp có thể gây ra tình trạng rối loạn ăn uống. Không ăn đủ calo mỗi ngày phù hợp với nhu cầu của bản thân có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ảnh minh họa
Ai không nên nhịn ăn gián đoạn?
Trước khi áp dụng chế độ ăn gián đoạn, người thực hiện cần tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng. Người bị đái tháo đường type 1 và đang điều trị đái tháo đường rất có thể gặp phản ứng không mong muốn khi thực hiện chế độ ăn này.
Với người dưới 18 tuổi, người có tiền sử rối loạn ăn uống, hoặc những người đang mang thai hoặc đang cho con bú, chế độ này hoàn toàn toàn không phù hợp.
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng như Rania Batayneh cũng khuyên mọi người tốt nhất chỉ nên nhịn ăn gián đoạn trong khoảng thời gian 12 - 13 giờ, bắt đầu vào buổi tối bằng việc không ăn muộn hơn 6 - 7 giờ tối. Việc này sẽ khiến quá trình trao đổi chất nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết trong ngày.