Trong nước

Những “biến chứng” của bệnh tham nhũng

Bệnh tham nhũng ở nước ta hiện nay đã có rất nhiều “biến chứng” làm cho bệnh phức tạp và trầm trọng thêm, đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng bền bỉ và quyết liệt hơn nữa.


Cử tri Trần Trọng Tấn (Q.1, TP.HCM) kiến nghị cần có cơ chế chống tham nhũng một cách minh bạch và hiệu quả, tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng 1-8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tình trạng cán bộ, công chức “lấy công làm tư” diễn ra khá nhiều. Không ít cơ quan, đơn vị đã lợi dụng chính sách cho phép tạo nguồn thu thêm để lấy đất công, tài sản công phục vụ kinh doanh, cho thuê mướn.

Bệnh viện, trường học, ủy ban nhân dân cấp xã, phường thì tự đặt các quy định riêng trong việc phụ thu cũng như các loại phí mà người bệnh, phụ huynh học sinh và người dân phải đóng góp.

Phần lớn số tiền thu được có thể khai man không nộp lại cho ngân sách nhà nước theo đúng quy định mà Bộ Tài chính chỉ cho phép giữ lại một phần để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động.

Việc làm này cán bộ, công chức, nhân viên đều biết nhưng thường đồng tình vì khoản thu nhập này có khi còn cao gấp 1-2 lần lương chính thức của họ.

Đối với cán bộ, công chức không giữ vị trí lãnh đạo, để tăng thêm thu nhập, hiện tượng chi phí cho cá nhân nhưng lại ghi là chi phí công vụ bằng cách làm hóa đơn giả là khá phổ biến.

Bên cạnh đó, không ít người đã cố tình tạo ra khó khăn, tìm cách sách nhiễu, đòi hỏi, chờ đợi người dân, doanh nghiệp bồi dưỡng đôi chút để được giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính.

Tình trạng mượn giờ công, tài sản công làm việc tư diễn ra khá phổ biến khi họ dùng thì giờ chính thức làm công trình nghiên cứu cho người khác; sử dụng máy tính của cơ quan để bán bảo hiểm, bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp, môi giới nhà đất, chứng khoán...

Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp coi việc chi phí ngoài luồng, không chính thức là chìa khóa của thành công.

Do vậy, doanh nghiệp có quan hệ lâu dài với cơ quan hoặc người có chức vụ, quyền hạn qua việc thường xuyên gặp gỡ, quà cáp, biếu xén nhân các dịp lễ, tết để khi có việc cần nhờ cậy thì sẽ được quan tâm, tạo điều kiện, tạo ra lợi thế hơn đối với các doanh nghiệp khác.

Điều này rõ ràng là “gian lận” vì lợi dụng “mối quan hệ ràng buộc” đã cướp lấy cơ hội đáng lẽ ra của người khác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường có hình thức ngoại giao khi thực hiện các dự án, công trình, trong đó có sự tác động, tạo điều kiện của người có chức vụ, quyền hạn để doanh nghiệp đó được thực hiện một dự án với lợi nhuận cao.

Đổi lại, doanh nghiệp sẽ có “suất ngoại giao” với giá hời cho người đã giúp đỡ họ hoặc nhận, bố trí người thân của người đã giúp đỡ mình vào các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.

Những “biến chứng” này âm thầm và nguy hiểm, đang lan tràn trong xã hội mà không thể xác định được tác hại mà nó gây ra.

Tuy nhiên, rất khó có thể quy các biến chứng này là tham nhũng vì không có trong các quy định về các hành vi tham nhũng trong Luật phòng chống tham nhũng nên rất khó ngăn chặn và chữa trị.

Để đối phó với các biểu hiện muôn hình vạn trạng của “biến chứng” tham nhũng, chắc hẳn không thể dùng một loại thuốc chung cho nhiều thứ bệnh, lại càng không thể chỉ dựa vào các chế tài xử lý.

Những vấn đề nêu trên cần nhanh chóng được nghiên cứu nghiêm túc và thẳng thắn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng như thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng bền bỉ và quyết liệt hơn nữa.

“Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”

Thực tế tồn tại tư duy bất tuân pháp luật và coi thường lợi ích xã hội, thể hiện ở chỗ nhiều người dân cũng đang dùng đủ mọi cách, mọi hình thức và phương tiện để chiếm dụng tài sản công bất chấp đến pháp luật cũng như hậu quả tai hại cho xã hội. Nhỏ nhất là dán, in quảng cáo trên tường, nơi bến xe, trụ điện.

Nặng hơn một chút là chiếm dụng vỉa hè, lòng đường bày bán hàng rong, lập điểm trông giữ xe hay lấy trộm vật liệu và thiết bị tại các công trường xây dựng của Nhà nước.

Tệ nhất là nạn chiếm đất công hay phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, mánh mung để mua tài sản công với giá rẻ...

Khi bị các cơ quan chức năng, chính quyền xử lý thì nhiều người dân thường có cách lý giải rất đơn giản là chúng tôi chỉ bỏ công, bỏ sức nhặt mấy hạt cơm rơi gạo vãi, chỉ kiếm được vài ba đồng bạc lẻ, bõ bèn gì so với quan chức chỉ ký cho nhau một chữ là lập tức có vài suất đất, vài nền nhà, vài dự án tiền tỉ...

Có thể thấy ngay ý tứ của người dân là “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, bé thì chỉ ăn được miếng bé thế thôi. Nhưng đau lòng ở chỗ là “ở dưới học trên”, trên ăn được thì dưới cũng tìm cách ăn!

Tác giả bài viết: Cù Tất Dũng(Ban Nội chính trung ương)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP