Nỗi lo mất việc của hàng trăm nhân viên hợp đồng ở Hà Tĩnh

Admin
Tỉnh Hà Tĩnh đang từng bước triển khai Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phát triển giáo dục mầm non, phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Hàng trăm nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non cho rằng điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ bị chấm dứt hợp đồng, cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn theo chiều hướng khó khăn.

 Các nhân viên kế toán hợp đồng tại các trường mầm non ở huyện Đức Thọ trò chuyện với phóng viên về những trăn trở của họ trước nguy cơ bị mất việc làm - Ảnh: Q.C

Khi tiếp nhận thông tin về nghị quyết của HĐND và kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hàng chục nhân viên kế toán hợp đồng tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hết sức lo lắng cho cuộc sống của họ trong tương lai. Họ đã viết đơn gửi các cơ quan, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh mong được xem xét bố trí công việc và có chế độ hỗ trợ tốt hơn.

Đề án sáp nhập đơn vị, tinh giản biên chế

Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo được thông qua ngày 18.7.2018. Quan điểm của tỉnh là giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp lại các trường học theo hướng liên cấp, liên xã. Mục đích là để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngày 5.10.2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công văn số 6151/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện nghị quyết trên. Công văn này giao Sở GD-ĐT Hà Tĩnh hướng dẫn chính quyền cấp huyện xây dựng đề án, sắp xếp hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS; phối hợp các cơ quan chức năng thẩm định đề án và trình UBND tỉnh trong năm 2018.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng được chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện chấm dứt chính sách hỗ trợ hợp đồng đối với nhân viên y tế, kế toán mầm non theo Quyết định số 240 ngày 18.1.2013 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh đối tượng, mức hưởng, nguồn kinh phí hỗ trợ đối với nhân viên y tế, kế toán làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bán công, dân lập. Sở Nội vụ Hà Tĩnh có nhiệm vụ thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế.

Với nghị quyết và kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh đề ra, một số địa phương thuộc tỉnh này đã bắt đầu thực hiện. Hiện tại, huyện Can Lộc đã thực hiện sáp nhập đối với 8 trường mầm non và 4 trạm y tế tại 4 xã. Việc sáp nhập này không thể tránh khỏi tình trạng chấm dứt hợp đồng hoặc thay đổi công việc đối với những nhân viên chưa vào biên chế ở các đơn vị trên.

Tâm tư của những người sắp bị “đá ra đường”

26 nhân viên kế toán hợp đồng ở huyện Đức Thọ viết đơn trình bày tâm tư với các cơ quan, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh. Họ là những người đã được ký hợp đồng lao động từ năm 2010. Thời điểm này họ được hưởng lương 700.000 đồng/tháng. Đến năm 2013, những nhân viên này mới được hưởng mức lương cơ bản hệ số 1.0 và được đóng BHXH theo Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 18.1.2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

 Đơn trình bày tâm tư của 26 nhân viên kế toán hợp đồng - Ảnh: Q.C

Trước nguy cơ mất việc làm, những nhân viên kế toán trên rất lo lắng cho cuộc sống về sau của họ, vì khi đó sẽ mất đi nguồn thu nhập và nguồn đóng BHXH trong khi độ tuổi của họ rất khó để đi xin việc làm phù hợp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 26 nhân viên kế toán hợp đồng có nguy cơ mất việc, huyện Đức Thọ đang có 27 nhân viên y tế học đường cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Với mức lương từ 2-3 triệu đồng/tháng, những nhân viên hợp đồng trên vẫn cố bám trụ với nghề từ 8 năm nay. Ở nông thôn, thu nhập như vậy tuy thấp nhưng họ vẫn cố gắng bám công việc này, vì dù sao cũng có nguồn thu ổn định hằng tháng. Một lẽ nữa là họ được an ủi khi về hưu có chế độ BHXH.

Chị Nguyễn Hồng Lam, nhân viên kế toán tại Trường mầm non Đức Châu (xã Đức Châu, huyện Đức Thọ), cho biết vợ chồng chị có hai đứa con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Chi tiêu hằng tháng của gia đình đều nhờ vào đồng lương của chị và lương công nhân của chồng.

“Nếu thời gian tới mà bị chấm dứt hợp đồng thì gia đình em sẽ sống rất chật vật, không biết rồi sẽ như thế nào. Ngoài ra không biết lấy nguồn nào để đóng và duy trì BHXH nữa. Nghĩ đến tương lai mà cứ thấy mờ mịt”, chị Lam buồn rầu nói.

Tương tự, chị Võ Thị Ngọc Giang, nhân viên kế toán hợp đồng tại Trường mầm non xã Đức Lạng cũng tỏ ra lo âu không kém. Chị Giang chia sẻ: “Bây giờ chúng tôi chỉ mong muốn được tiếp tục công tác để có nguồn thu nhập nuôi gia đình và có chế độ BHXH về sau. Chúng tôi cũng mong nếu thời gian tới được bố trí công việc phù hợp thì được cho hưởng lương theo bằng cấp”.

Trong số nhân viên hợp đồng này, có nhiều người đang phải gánh những khoản nợ ngân hàng vì vay để xây nhà, tạo vốn làm ăn hoặc đầu tư cho con cái học hành.

Khi Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh hiện thực hóa trên toàn bộ các huyện, thì sẽ có hàng trăm nhân viên thuộc diện hợp đồng lao động kể trên đối mặt với việc bị chấm dứt hợp đồng, mất việc làm.

 Những nhân viên hợp đồng này đang lo lắng đối mặt với nguy cơ bị mất việc - Ảnh: Q.C

Ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đức Thọ cho biết hiện tại các cơ quan, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh đang bàn hướng giải quyết. Theo đó, phương án được đề cập là giao cho các huyện bố trí những kế toán có đủ điều kiện đi đào tạo lại để về làm cô nuôi tại trường, còn nhân viên y tế thì chuyển về các trạm y tế xã đối với những trường hợp đã vào biên chế. Huyện đang chờ chủ trương cụ thể của tỉnh.