Vịnh Cát Bà đang bị ô nhiễm bởi nước thải và các loại rác xả xuống mỗi ngày. Ảnh: Giang Chinh |
Ngày 27/6, nhiều du khách ở Cát Bà (Hải Phòng) phản ánh nước biển tại vịnh Cát Bà và vịnh Lan Hạ đang bị ô nhiễm, rác thải trôi nổi nhiều nơi.
Trưa cùng ngày, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối tràn từ dưới cống lên mặt đường tại trung tâm thị trấn Cát Bà khiến nhiều du khách đang đi dạo ở đây phải bỏ chạy.
Chính quyền địa phương đã tổ chức cho công nhân bơm nước biển rửa đường, ngăn nước thải tràn ra nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên từ các miệng cống.
Nước biển gần bờ ở vịnh Cát Bà đổi sang màu xanh đen do ô nhiễm. Ảnh: Giang Chinh |
Công nhân cũng được huy động vớt rác trên vịnh song không hết do rác thải quá nhiều. Các loại túi nilon, chai lọ, phao xốp vỡ vụn... vẫn trôi nổi trên mặt nước.
Ông Phạm Hồng Sơn, công nhân Ban Quản lý vịnh Cát Bà cho biết, mỗi ngày ông cùng đồng nghiệp thu gom, vớt rác 3 lần tại vịnh Cát Bà. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương, khách du lịch và ngư dân trên các tàu cá… thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống biển nên "thu gom bao nhiêu cũng không kịp".
Về việc nước biển gần bờ đổi màu, ông Sơn cho rằng do nước thải, chất thải từ trên bờ xả xuống không qua xử lý. “Những hôm thủy triều xuống thấp và khi nước lên, kết hợp với gió nam từ biển thổi vào, cả khu trung tâm thị trấn Cát Bà nồng nặc mùi” ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Cộng Hòa - Giám đốc ban quản lý các vịnh Cát Bà thừa nhận nước biển ở khu vực này đang bị ô nhiễm. Ban đã bố trí 2 đội thu gom rác tại 2 vịnh. Trung bình mỗi ngày thu được khoảng 10 m3 rác. Ban muốn thu gom hết nhưng nhân lực có hạn, tiền trả lương ngoài giờ cho công nhân không có.
Chính quyền địa phương cũng đã có chủ trương cắt giảm 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh xuống còn 152 cơ sở vào năm 2020; di dời toàn bộ nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà cũng như di dời cảng cá tới vị trí mới.
"Khi thực hiện các giải pháp trên thì tình trạng ô nhiễm sẽ giảm", ông Hòa nói và cho biết thêm, biển Cát Bà đầy rác một phần do rác từ Quảng Ninh theo dòng nước chảy sang.
Giải thích việc nước thải đổ xuống biển chưa qua xử lý gây ô nhiễm, ông Đặng Đình Hỏa - Giám đốc Công ty quản lý công trình đô thị Cát Hải cho biết, nhà máy xử lý nước thải do công ty vận hành được thiết kế công suất đáp ứng khoảng 2000 khách mỗi ngày. Trong khi đó, từ đầu năm 2017 đến nay, lượng khách ra đảo ngày càng đông, có ngày cả chục nghìn khách nên nhà máy quá tải, dẫn đến việc nước thải tràn lên đường, chảy xuống biển.
"Trong thời gian chờ đợi thành phố đầu tư dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại thị trấn Cát Bà, chúng tôi chỉ còn cách sử dụng bơm để bơm nước biển rửa các điểm nước thải tràn lên đường, giảm thiểu mùi hôi thối", ông Hỏa nói.