Ông Tập Cận Bình được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XX

Admin
Sau 7 ngày làm việc, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Ðảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) đã bế mạc sáng 22/10 tại Ðại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa 20.

Phiên bế mạc Đại hội XX diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng sự tham dự của gần 2.300 đại biểu. Tại đây, các đại biểu đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết của Đại hội về Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, Báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XIX và Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi.

 Bế mạc Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Cũng trong phiên bế mạc, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XX, gồm 205 Ủy viên chính thức, 171 Ủy viên dự khuyết và 133 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XX.

Trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX có 3 người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XX, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, sinh năm 1953; Bí thư Ban Bí thư Vương Hộ Ninh, sinh năm 1955; Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957.

Thủ tướng Lý Khắc Cường, sinh năm 1955; Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, sinh năm 1950; Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Uông Dương, sinh năm 1955 và Phó Thủ tướng Hàn Chính sinh năm 1954, không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, Tổng Bí thư Tập Cận Bình tuyên bố Đại hội thành công tốt đẹp. Đại hội xác định: từ nay, nhiệm vụ trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đoàn kết, dẫn dắt nhân dân các dân tộc nước này hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Đại hội cũng nhấn mạnh, an ninh quốc gia là nền tảng của sự phục hưng dân tộc, ổn định xã hội là tiền đề của đất nước cường thịnh. Cần kiên định quán triệt quan điểm an ninh quốc gia tổng thể, lồng ghép bảo vệ an ninh quốc gia vào cả quá trình công tác các mặt của đảng và nhà nước, kiện toàn hệ thống an ninh quốc gia, tăng cường năng lực bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định xã hội.

5 năm tới được xác định là thời kỳ then chốt mở ra quá trình xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại gồm 2 giai đoạn của Trung Quốc, tức từ năm 2020-2035 cơ bản thực hiện hiện dại hóa xã hội chủ nghĩa và từ năm 2035 đến giữa thế kỷ đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Bên cạnh việc xác định “phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại” với việc thiết lập “tuần hoàn kép” và thực hiện mục tiêu “thịnh vượng chung” (hay cùng giàu), “an ninh quốc gia” cũng là một trong những điểm nhấn khi cụm từ này đã xuất hiện tới 26 lần trong Báo cáo chính trị trình bày tại phiên khai mạc Đại hội, nhiều hơn hẳn so với 5 năm trước. Theo kế hoạch, sáng mai (23/10), Ban Chấp hành Trung ương khóa XX sẽ tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất, bầu ra Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư./.

Tác giả: Bích Thuận-Tuấn Đạt

Nguồn tin: Báo VOV