Phát triển làng nghề tại Hải Phòng: Từng bước từ bỏ mô hình nhỏ lẻ

Admin
Bằng cách xây dựng đề án điểm với nguồn lực hỗ trợ lớn và toàn diện, khuyến công Hải Phòng đã và đang trợ sức cho làng nghề đúc Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên) nâng cao năng lực sản xuất, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Làng nghề đúc Mỹ Đồng có lịch sử phát triển lâu đời, do nhanh nhạy với xu hướng thị trường, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề đã nhanh chóng thay đổi mẫu mã, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu.

 Hỗ trợ cải thiện ô nhiễm môi trường

Đạt được kết quả này, ngoài sự chủ động, làng nghề đúc Mỹ Đồng còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền thành phố Hải Phòng. Trong đó, việc quy hoạch, xây dựng và hoàn thành điểm công nghiệp xã Kiền Bái (giáp ranh làng nghề Mỹ Đồng) giai đoạn 1, diện tích 11ha đã giải quyết một phần nhu cầu về mặt bằng của các cơ sở đúc, gia công cơ khí trên địa bàn.

UBND huyện Thủy Nguyên cũng đã xây dựng đề án đầu tư cụm công nghiệp làng nghề Mỹ Đồng, diện tích mở rộng 28,1ha, tổng mức đầu tư là 280,5 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2019, đề án sẽ hoàn thành, tạo thêm đáng kể mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở tại làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố cũng đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ cho làng nghề, như: Tổ chức đào tạo nghề, thành lập hiệp hội ngành nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất... Tuy nhiên, các đề án còn thực hiện một cách riêng lẻ, quy mô hỗ trợ không lớn, do đó chưa tạo được sức lan tỏa cũng như tạo sự thay đổi mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề. Để khắc phục những hạn chế trên, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển thành phố đã phối với UBND huyện Thủy Nguyên xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong cụm công nghiệp làng nghề đúc Mỹ Đồng giai đoạn 2019 - 2020”.

Đề án điểm gồm nhiều nội dung, như: Tổ chức hội thảo phát triển sản phẩm; tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; học tập kinh nghiệm phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài. Đặc biệt, đề án dành nhiều nguồn lực cho triển khai nội dung ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ đầu tư thiết bị cải thiện ô nhiễm môi trường đầu nguồn.

Đề án được nhận định sẽ góp phần từng bước giúp các cơ sở tại làng nghề thoát khỏi mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kém hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp làng nghề đúc Mỹ Đồng nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường và hình thành chuỗi liên kết sản xuất.

Đề án điểm cũng được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho công tác khuyến công của thành phố trong năm 2019. Tạo tiền đề cho xây dựng các đề án điểm hỗ trợ các ngành nghề thế mạnh khác của thành phố trong những năm tiếp theo.