Nhà máy YAZAKI ở Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên. |
Diễn biến vụ việc, vào hồi 16h ngày 02/6, trong ca sản xuất 34 công nhân nhà máy Yazaki bất ngờ khó thở, tức ngực, đau đầu, chóng mặt, nôn nao, tinh thần hoảng loại không thể sản xuất được, nhiều người phải cấp cứu.
Khí ấy, Ban quản lý Khu kinh tế và chủ doanh nghiệp nghi công nhân của mình đổ bệnh là do ngộ độc thuốc trừ sâu từ đồng ruộng gần đó bay hơi vào nhà máy.
Tiếp đó khoảng 8h ngày 06/7, công nhân trong ca sản xuất 70 người lại đổ bệnh phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Cơ quan y tế trước thì nhận định người đổ bệnh do nắng nóng, sau lại bảo có khả năng do ngửi phải khí độc bốc ra từ sản phẩm của chính nhà máy.
Chung quy cả 3 nhận định đều không khả dĩ. Lần trước bảo, do nông dân phun thuốc trừ sâu gần xưởng thợ gây nên. Quan sát thực địa, gần nhà máy có sào mướp của bà Miên người địa phương, trước đó có phun thuốc trừ sâu. Bà Miên khẳng định phun thuốc sâu trên phạm vi hẹp, giàn mướp chỉ rộng bằng 4 cái chiếu, ruộng còn cách nhà xưởng một đoạn xa, không thể cùng lúc khiến 34 người làm việc rải rác trong nhà máy ngộ độc được. Từ khi rộ lên thông tin người ngộ độc do sào ruộng này gây ra, mướp nhà bà bán ế ẩm.
Ruộng vườn của nông dân thôn Biểu Nghi, xã Đông Mai gần nhà máy Yazaki. |
Lần sau 70 người đổ bệnh, cơ quan y tế nhận định do nắng nóng bởi nhiệt độ trong 2 nhà kho, nhà kho thứ nhất 34,1 độ C, nhà kho thứ 2 là 34,2 độ C. Nếu nguyên nhân do công nhân bị say nắng thì không có sức thuyết phục, vì người đổ bệnh hàng loạt lại rơi vào thời điểm đầu giờ ca sáng, khi trời còn mát mẻ. Khi mặt trời lên gần đỉnh đầu, cơ quan y tế mới đến tìm hiểu nguyên nhân.
Nhiều công nhân vô tư bảo, nhà máy này của Nhật kiến trúc hiện đại, vào nhà máy mùa nóng nực này còn mát mẻ hơn cả ở nhà mình, vì có máy điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió công suất lớn chạy vù vù.
Ngày 06/7 là ngày nắng nóng trong năm, nhiệt độ nhiều nơi trong bóng râm còn nóng trên 39 độ C. Thì trong xưởng nhiệt độ là 34 độ C là bình thường, không đến nỗi công nhân đổ bệnh hàng loạt.
Mới đây, cơ quan y tế lại có nhận định khả năng gây bệnh do khí Fomandehyt gây nên. Căn cứ vào kết quả phân tích tại phòng thí nhiệm, các mẫu không khí lấy từ 2 khu vực sản xuất của nhà máy gồm: Kho nhiên liệu khí Fomandehyt là 3.8mg/m3; kho dây điện khí Fomandehyt là 4.7mg/m3 vượt quá chỉ tiêu cho phép trong môi trường lao động.
Nhưng cũng chỉ là nhận định, trong cơ thể người bệnh chưa tìm ra chứng tích của khí Fomandehyt. Thực chất khí Fomandehyt là hơi được phát ra từ hợp chất nhựa gặp nhiệt cao.
Nhắc lại, công nhân đổ bệnh vào đầu giờ ca sáng (từ 7h30 - 8h) nhiệt độ trong nhà máy không đến mức “nguy hiểm”. Nếu làm phép tính so sánh, chiếc ôtô để ngoài nắng nóng, khi mở cửa xe khí Fomandehyt phát ra còn gấp bội lần, nhưng chưa thấy ông tài xế nào bị ngộ độc.
Sự cố công nhân nhà máy Yazaki trong Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên đổ bệnh hàng loạt, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh tỏ ra lúng túng, không ứng xử kịp thời.
Những nhận định đưa ra không thỏa đáng, thiếu thuyết phục người nghe và ngay chính doanh nghiệp miệng không nói ra, bụng chưa tâm phục.
Bởi doanh nghiệp có 6 nhà máy tương tự đang hoạt động trên phạm vi cả nước, nhiều địa phương cùng thời điểm còn nắng nóng hơn, mà không ai đổ bệnh.
Chủ doanh nghiệp chèo chống trong khó khăn, chấp hành yêu cầu của địa phương lắp đặt thêm 10 quạt thông gió, 3 quạt làm mát bằng hơi nước, mở 7 cửa thông hơi… thể hiện có tiếp thu ý kiến của chính quyền và đóng cửa nhà máy để khắc phục hậu quả, cho công nhân nghỉ việc.
Một cán bộ chủ chốt nhà máy cho biết: Không biết phải trái, cao sách là đóng cửa nhà máy, nghỉ sản xuất, tới đây cắt luôn điện thoại không nghe không nói cho “lành”.
Nhà máy Yazaki trong Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên hé ý đồ ngừng sản xuất không thời hạn. Nhiều công nhân vừa ngất xỉu vì căn bệnh lạ, nay một lần nữa lại ngất xỉu tiếp, bởi đã bán hết ruộng vườn vào làm công ăn lương ở nhà máy này.
Ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn thì cuống lên với nguy cơ nợ xấu. Nhà máy Yazaki có 6000 lao động, nếu đùng một cái mà đóng cửa nghỉ sản xuất, thiệt hại đầu tiên là người lao động, còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Sự việc xảy ra ở Nhà máy Yazaki đang rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, của dư luận, cần bắt đúng bệnh để bảo vệ người lao động, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Nếu quả thật nhà máy Yazaki vì vậy mà ngừng sản xuất cho công nhân nghỉ việc, trước mắt chắc hàng vạn người lao động phải “treo niêu”, đời sống sẽ rất khó khăn.